Chờ đến lượt tiêm vắc xin tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Sáng 25-7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những người trên 65 tuổi, mắc bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì có chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 30.
Mong ước nhiều tháng ngày!
Dù là ngày chủ nhật nhưng bệnh viện vẫn triển khai tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho người bệnh lớn tuổi, mắc bệnh mãn tính. Bệnh viện đã bố trí, sắp xếp lại khu hành chính để tổ chức tiêm vắc xin cho bệnh nhân. Bệnh viện kê ghế ngồi đợi cách xa nhau, hẹn giờ cho bệnh nhân đến tiêm ngừa.
Ngồi trên xe lăn, bà Đ.T.B., 81 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, mắc nhiều bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận mãn tính, từ hai năm nay bà phải ngồi xe lăn do chân yếu, được người thân đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để tiêm vắc xin. Được gọi đi tiêm vắc xin bà rất vui vì cảm thấy yên tâm trước dịch bệnh hoành hành.
Còn anh Đ.V.Đ., 48 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, mắc bệnh thận mãn tính hơn 20 năm, chạy thận nhân tạo 3 năm nay, hào hứng kể: "Chiều qua, nhận được tin bệnh viện báo tôi được chích vắc xin phòng COVID-19, tôi mừng lắm. Đây là mong ước của tôi trong nhiều tháng ngày. Tôi không dám đi đâu vì biết rõ người như tôi mắc COVID-19 là khó chữa!".
"Được tiêm vắc xin là "món quà đặc biệt" dành cho những người mắc bệnh mãn tính như tôi" - ông P.T.Đ., 71 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, vừa mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vừa mắc bệnh tăng huyết áp, xúc động nói.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đều chia sẻ họ an tâm khi được chích ngừa vắc xin phòng COVID-19 tại bệnh viện và được bệnh viện sắp xếp tiêm chu đáo như vậy.
Buồng hồi sức kế bên bàn tiêm
Để tổ chức tiêm vắc xin cho các trường hợp này, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tổ chức công tác hậu cần rất kỹ lưỡng. Ở khu vực tiêm luôn có hai bác sĩ và một điều dưỡng quan sát, theo dõi những người đến tiêm ngừa.
Ngay tại phòng tiêm, bệnh viện chuẩn bị một buồng hồi sức có đầy đủ máy móc, dụng cụ hồi sức để sẵn sàng cấp cứu, hồi sức cho người được tiêm.
Bác sĩ lưu ý khi đưa người mắc bệnh mãn tính, lớn tuổi đi tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cần mang chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế để bệnh viện đối chiếu trước khi tiêm ngừa. Đặc biệt là mang theo những loại thuốc mà người bệnh đang uống để bác sĩ xem thêm khi xử lý.
TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết theo kế hoạch mỗi ngày bệnh viện sẽ tiêm cho 120-150 người bệnh.
Tiêm vắc xin lưu động
Bác sĩ Nguyễn Huy Luân, trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết nơi này cũng đã triển khai tiêm cho những người lớn tuổi, mắc các bệnh mãn tính. Trong số những bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện, bệnh viên ưu tiên tiêm cho những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn, chạy thận nhân tạo, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; tăng huyết áp; đái tháo đường; béo phì.
Hiện có khoảng 100 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức tiêm lưu động tại khoa phòng cho những bệnh nhân mắc những bệnh nền mãn tính kể trên đang được điều trị tại bệnh viện, chuẩn bị được xuất viện...
Còn theo bác sĩ Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nơi này đã triển khai tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho những người mắc bệnh mãn tính từ ngày
23-7. Bệnh nhân được chọn tiêm là những người mắc các bệnh mãn tính đang điều trị tại bệnh viện chuẩn bị được xuất viện, những người mắc bệnh mãn tính kể trên đang đến khám tại bệnh viện...
Ai được nhận "quà đặc biệt"?
Theo kế hoạch của TP, sẽ có 200.000 người trên 65 tuổi và 50.000 người mắc bệnh mãn tính đang được các bệnh viện quản lý, có địa chỉ thường trú tại TP.HCM được tiêm ngừa trong đợt 5 này.
Trong những người mắc bệnh nền được điều trị ổn định, ưu tiên những người mắc cùng nhiều bệnh nền một lúc hoặc mức độ nặng của bệnh.
Danh sách những người được tiêm mắc bệnh mãn tính sẽ được các cơ sở khám chữa bệnh đang quản lý điều trị ngoại trú lập theo danh sách. Những người trên 65 tuổi cũng được chọn theo nguyên tắc ưu tiên trên 80 tuổi, từ 70 đến 80 tuổi, trên 65 tuổi.
Bệnh nền dễ bị COVID-19 tấn công
Một bác sĩ chăm sóc sau tiêm Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết theo số liệu đã được công bố, cứ 10 người mắc bệnh COVID-19 tử vong có 8 người trên 65 tuổi.
Những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, động mạch vành, ung thư... cũng dễ trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng khi mắc COVID-19.
Vì vậy, TP phải cấp thiết tiêm cho những người trên 65 tuổi và mắc các bệnh nền.
TTO - Nhiều người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền tại TP.HCM thắc mắc tại sao lại không có danh sách trong đợt tiêm vắc xin lần 5 này. Vậy việc lên danh sách được các đơn vị có chức năng thực hiện như thế nào?
Xem thêm: mth.50194223252701202-teib-cad-auq-nom-neiv-hneb-gnort-91-divoc-gnohp-nix-cav-meit/nv.ertiout