Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Họ vừa được bổ sung vào danh sách 15 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19, cùng với lực lượng tuyến đầu và đối tượng chính sách.
Được tiêm vắc xin chưa? Khi nào được tiêm vắc xin? Có lẽ đó là câu nói được nhiều người nhắc đến gần đây. Điều này cho thấy mức độ quan tâm và nhu cầu "được tiêm" vắc xin của mỗi người trở nên cấp thiết; khác hẳn với tâm lý "sợ tiêm" hoặc những bệnh lý "phải đi điều trị" khác.
Nhiều người không tin rằng mình được tiêm vắc xin, khi có tên trong nhóm đối tượng được ưu tiên, ai cũng mừng, có người "không thể ngủ". "Tôi vui quá. Trưa nay không ngủ để chờ đến giờ đi tiêm. Mong có nhiều người được tiêm vắc xin trong những ngày tới" - bà Hà Thị Nhu (83 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ.
Giữa lúc vắc xin khan hiếm, số ca F0 tăng cao... được ưu tiên tiêm vắc xin như tấm lá chắn đối với người mắc các bệnh nền; người cao tuổi; người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Vắc xin chính là tấm lá chắn cho những người mà trong điều kiện bình thường cuộc sống của họ cũng đã đối mặt bao khó khăn.
Về khía cạnh y tế, những người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền (tiểu đường, huyết áp, béo phì...) thường có sức đề kháng kém, nếu mắc COVID-19 diễn biến trở nặng nhanh hơn so với người trẻ, khỏe mạnh.
Các trường hợp tử vong do COVID-19 hiện nay đều cho thấy đa số rơi vào nhóm người này. Do đó, việc tiêm vắc xin giống như "nút chặn" hạn chế số ca mắc; nếu mắc hạn chế nguy cơ trở nặng, từ đó tối giản nhân lực, vật lực điều trị, đồng thời kéo giảm số ca tử vong.
Về mặt xã hội, những người thuộc diện bảo trợ xã hội, nghèo và cận nghèo... vốn không có nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân; với đặc thù công việc mưu sinh, họ thường phải giao tiếp với nhiều người nên rất dễ lây nhiễm COVID-19.
Bởi thế, giữa muôn vàn khó khăn, nhưng khi nhận được thông báo của chính quyền gửi cho mọi người, mời những người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền... đăng ký tiêm vắc xin, có lẽ ai cũng cảm thấy ấm lòng bởi tinh thần "không một ai bị bỏ lại phía sau" đang lan tỏa.
Trong lúc các bậc phụ huynh canh cánh nỗi lo làm thế nào bảo vệ con mình trước COVID-19, thông tin Bộ Y tế đàm phán để Công ty TNHH Pfizer Việt Nam bổ sung 20 triệu liều vắc xin tiêm chủng cho trẻ em từ 12-18 tuổi, kịp triển khai trong quý 4-2021 cũng là tin vui.
Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi 12-18. Hy vọng của mọi phụ huynh con mình đến trường trong tấm lá chắn vắc xin cũng đang được nhen nhóm lên.
Lúc này, dù không nói ra, nhưng ai cũng sốt ruột, bao giờ đến lượt mình được tiêm vắc xin? Nhưng nhìn vào chiến lược tiêm vắc xin quốc gia có thể tin tưởng rằng ngày rất gần chúng ta sẽ có được tấm lá chắn vắc xin bảo vệ trước COVID-19.
Nhưng những niềm vui nho nhỏ của mỗi cá nhân, nhất là người yếu thế khi đã tiêm vắc xin, thông tin về tiến bộ trong cung ứng, sản xuất vắc xin đang dệt lên những hy vọng sáng tươi hơn: chúng ta sớm có lá chắn để vượt qua COVID-19.
Việc cần làm lúc này là giữ gìn cho chính mình, người thân và cộng đồng an toàn chờ vắc xin phủ rộng khắp.
TTO - TP.HCM cần bổ sung một số đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao vào danh sách các trường hợp được ưu tiên tiêm vắc xin như: lái xe, lực lượng tham gia cung ứng dịch vụ, thành viên tổ y tế cộng đồng…
Xem thêm: mth.23425723252701202-nix-cav-meit-id-mo-ex-hna/nv.ertiout