Dự cuộc diễu binh hải quân trên sông Neva ở St.Petersburg kỷ niệm Ngày Hải quân 25-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có lời ca ngợi lực lượng hải quân nước này mạnh hàng đầu thế giới.
Cuộc diễu binh diễn ra với sự tham gia của khoảng 4.000 thủy thủ, hơn 50 tàu, thuyền và tàu ngầm, 48 máy bay và trực thăng.
Nga đã tổ chức cuộc diễu binh hải quân trên sông Neva ở St.Petersburg hôm 25-7. Ảnh: RT
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Nga giành lời ca ngợi lịch sử lâu dài của hải quân và nhấn mạnh Nga “là một trong những cường quốc hải quân hàng đầu thế giới”, đài RT đưa tin.
“Ngày hôm nay, hạm đội của hải quân Nga đã có mọi thứ cần thiết để bảo vệ đất nước và lợi ích quốc gia. Chúng ta có thể phát hiện bất kỳ kẻ thù nào và nếu cần thiết, thực hiện một cuộc tấn công phản hồi” - ông Putin tuyên bố.
Buổi diễu binh diễn ra sau đó với quy mô hoành tráng với trên 50 tàu chiến, từ tàu tấn công cỡ lớn cho tới tàu tuần tra nhỏ, đã diễu hành xuôi theo con sông Neva và Vịnh Phần Lan trong khi máy bay của lực lượng hải quân bay ở trên.
Được đưa vào hoạt động từ năm 2020, tàu khu trục đa nhiệm Đô đốc Kasatonov là một trong những tàu tham gia diễu binh. Đây là chiến hạm tầm xa, trang bị tên lửa hành trình Kalibr, ngư lôi và hỏa lực phòng không mạnh.
Ngoài ra, cuộc diễu binh còn có sự tham gia của tàu tuần dương Thống chế Ustinov, được trang bị tên lửa chống tàu Vulkan có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 550 km.
Tàu ngầm năng lượng hạt nhân Knyaz Vladimir mới gia nhập lực lượng hải quân Nga vào năm 2020, cũng lần đầu tiên tham gia cuộc diễu binh năm nay. Con tàu được trang bị công nghệ tàng hình, mang theo 16 tên lửa đạn đạo Bulava và vừa hoàn thành chuyến thám hiểm Bắc Cực hồi tháng 3.
Các tàu ngầm khác tham gia diễu binh gồm có Krasnodar, con tàu đã thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình chống phiến quân ở Syria.
Ngoài các tàu Nga, cuộc diễu binh còn có sự tham gia của lực lượng hải quân nước ngoài, bao gồm tàu khu trục INS Tabar của Ấn Độ (do Nga đóng) có trang bị tên lửa hành trình siêu âm BrahMos, tàu khu trục Sahand và tàu hỗ trợ Makran của Iran, cũng như tàu khu trục Zulfiquar của Pakistan.
Tàu Sahand và Makran của Iran đã thực hiện chuyến hành trình hàng nghìn km từ Iran tới Đại Tây Dương, đi qua eo biển Manche, vào biển Baltic và tới Nga, theo RT.
Phía Iran gọi đây là hành trình chưa từng có tiền lệ và việc tàu hiện diện ở Vịnh Phần Lan là một sự kiện lịch sử với Iran, mở cánh cửa tới Biển Bắc và Phần Lan cho hạm đội tàu nước này.