Số liệu thống kê chính thức cho thấy mặt hàng nông sản tăng giá mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm ở Hàn Quốc đó là hành. Mặt hàng này chứng kiến mức tăng 157%. Tiếp đến là táo, tỏi và trứng tăng lần lượt là 54%, 45% và 39%.
Hành và tỏi là những loại gia vị được người dân xứ sở kim chi thường xuyên sử dụng trong các món ăn. Theo các tiểu thương ở chợ nông sản Seoul, dự kiến các mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung bị hạn chế.
"Giá tỏi hiện là 10.000 Won/kg. Mức giá này đã tăng rất nhiều so với năm ngoái", người bán hàng ở Seoul, Hàn Quốc, cho biết.
Giá các loại nông sản của Hàn Quốc đã tăng nhanh trong nửa đầu năm nay. (Ảnh minh họa: Yonhap)
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá mạnh các sản phẩm nông nghiệp là do điều kiện thời tiết năm nay kém thuận lợi khiến một số loại nông sản bị mất mùa. Thêm vào đó, dịch cúm gia cầm tiếp tục hoành hành ở một số địa phương.
"Số lượng táo và lê thu hoạch trong tháng này có khả năng giảm hơn 30 % so với cùng kỳ năm ngoái. Mùa mưa kéo dài bất thường trong năm ngoái cộng thêm bão khiến một số loại hoa quả bị hư hại", Viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc Kim Won-tae cho hay.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều gia đình chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm và tự nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn.
Theo một thống kê mới đây, chi tiêu cho thực phẩm chiếm tới 13,3% tổng chi tiêu tiêu dùng của người dân xứ sở kim chi. Đây là mức cao nhất trong vòng 21 năm qua.
Giá lương thực thực phẩm tăng mạnh đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng trong thời gian gần đây. Riêng trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước tình hình giá lương thực tăng cao, Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng bình ổn giá bằng cách tăng cường nhập khẩu cũng như thúc đẩy việc sản xuất trong nước.
Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh cần phải giữ ổn định giá lương thực, nhất là trong các kỳ nghỉ lễ sắp tới. Chính vì vậy, đòi hỏi các cơ quan của chính phủ cần có phương án để chuẩn bị đối phó với tình trạng giá cả tăng cao.
Xuất khẩu nông sản Hàn Quốc đạt mức kỷ lục
Yếu tố bất lợi của thời tiết và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến một số mặt hàng nông sản của Hàn Quốc năm nay bị thất thu. Tuy nhiên vượt qua khó khăn, xuất khẩu nông sản ở xứ sở kim chi trong 6 tháng đầu năm nay đạt 4,15 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục và trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế.
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các sản phẩm tươi sống tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 717,8 triệu USD và xuất khẩu thực phẩm chế biến tăng 16,2% lên 3,4 tỷ USD.
Vượt qua khó khăn, xuất khẩu nông sản ở xứ sở kim chi trong 6 tháng đầu năm nay đạt 4,15 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Yonhap)
Theo Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc đã thiết lập mức cao kỷ lục mới trong nửa đầu năm nay là nhờ nhu cầu thực phẩm có lợi cho sức khỏe trên toàn cầu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường mà chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai rộng rãi và mạnh mẽ như Mỹ và Trung Quốc đã tăng mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu nông sản Hàn Quốc sang Mỹ đã tăng 13,6% lên 634,6 triệu USD, còn sang Trung Quốc tăng 19,2% lên 621,7 triệu USD. Trong khi đó, những nước đang có số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng thì mua nhiều những thực phẩm chế biến sẵn và có lợi cho sức khỏe, như kim chi.
Đông Nam Á tiếp tục vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Hàn Quốc. Xuất khẩu nông sản sang thị trường Đông Nam Á đã tăng 28,2% lên 936,7 triệu USD. Trong khi sang Nhật Bản đạt 698,7 triệu USD.
Nhân sâm là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất, tăng 25,2% so với cùng kỳ, đạt 120 triệu USD trong nửa đầu năm nay, tiếp đến là kim chi tăng 20,1% lên 86,8 triệu USD, còn mặt hàng dâu tây tăng 25% lên 48,9 triệu USD.
Có được thành công trên là nhờ trong thời gian qua, Hàn Quốc đã tập trung nỗ lực để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, coi chúng là một trong những động lực mới của nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á.
Ngoài ra, nước này liên tục mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mới, thay vì chỉ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.
VTV.vn - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hiện các địa phương phía Nam đã cơ bản khơi thông chuỗi cung ứng nông sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96835601162701202-man-03-gnort-cul-yk-gnat-couq-nah-nas-gnon-aig/et-hnik/nv.vtv