Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Sở Giao thông Vận tải cấm shipper qua các ứng dụng công nghệ hoạt động, thì ở các siêu thị, shipper nội bộ giao hàng thiết yếu phải hoạt động hết công suất.
Dậy từ 5h30 sáng để kịp đến siêu thị làm việc trong những ngày Hà Nội giãn cách toàn thành phố, Thu Hằng - nhân viên xử lý đơn online của siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, 2 ngày nay, chị nhận từ 1.000 - 1.200 yêu cầu mua hàng thiết yếu từ khách hàng thông qua số điện thoại đường dây nóng, website, Zalo của siêu thị.
Song, do số lượng shipper nội bộ có hạn, mỗi ngày, siêu thị chỉ chốt khoảng 700 - 800 đơn, để giao đến tay khách hàng.
“Khi khách hàng đặt trên website, siêu thị chuẩn bị sẵn hàng hóa, shipper chỉ tới kiểm tra chất lượng, số lượng thực phẩm theo đơn hàng. Sau đó thanh toán và giao hàng cho khách.
Thời gian chỉ vài phút là xong một đơn hàng đi chợ giùm, nhưng hiện giờ shipper từ các ứng dụng như Now, Grab, Beamin chưa được phép hoạt động, trong khi số lượng shipper nội bộ của siêu thị không quá nhiều, nên một số đơn hàng phải để sang hôm sau xử lý”, Thu Hằng nói.
Shipper nội bộ làm không hết việc
Sau lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố từ 0h00 ngày 24.7, nhiều người tiêu dùng cũng cẩn trọng hơn khi tới những địa điểm mua sắm đông người như siêu thị, chợ hay các cửa hàng thực phẩm.
Không ít người trong số này chuyển sang mua thực phẩm trực tuyến hoặc qua các dịch vụ đi chợ hộ từ các shipper nội bộ. Anh Lê Văn Phúc (Trung Hoà, Cầu Giấy), shipper nội bộ của hệ thống siêu thị Big C chia sẻ, 2 hôm nay, anh làm không hết việc, thu nhập tăng gấp đôi, gấp 3 ngày thường.
“Giờ không ai ra đường, nên shipper nội bộ như tôi lại đắt hàng dịch vụ đi chợ hộ. Những ngày này, chúng tôi hoạt động hết công suất, đi làm từ sáng sớm, tối muộn mới được về.
Khi nhận được đơn hàng từ siêu thị, tôi sẽ đến lấy hàng ngay và giao đi cho khách. Các mặt hàng tươi sống sẽ được ưu tiên giao trước”, anh Phúc nói.
Một shipper nội bộ của hệ thống BGRMart cho hay, trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nghề của anh đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.
“Tôi rất sợ va phải F cho nên lúc nào cũng nhắc nhở mình phải thật cẩn thận, đeo khẩu trang 24/24, nước sát khẩn lúc nào cũng mang theo bên mình, khi giao hàng cũng đứng cách xa 2m và hạn chế tiếp xúc nhất có thể”, shipper này nói và cho biết, để đảm bảo an toàn chống dịch, mỗi một đơn hàng sẽ được siêu thị đóng gói cẩn thận và sát khuẩn toàn bộ đơn hàng.
Nhiều shipper nội bộ đang chờ cấp mã QR Code
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thái Dũng – Chủ tịch công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, phía công ty đã lập danh sách thông tin cá nhân của các shipper nội bộ để gửi lên Sở Công thương Hà Nội nhằm kiểm soát việc đi lại của các shipper này.
“Hiện tại, chúng tôi đã tập hợp và gửi thông tin về họ tên, số chứng minh thư, biển số xe của các shipper nội bộ lên Sở Công thương. Theo quy trình, Sở Công thương sẽ chuyển thông tin cho Sở GTVT để lấy mã QR Code cho từng shipper nội bộ”, ông Thái Dũng cho biết.
Cũng theo ông Thái Dũng, trong 2 ngày trở lại đây, BRG Mart vẫn bố trí lực lượng giao hàng cho khách, tuy nhiên đang có nhiều bất cập vì lượng ôtô ít, không đáp ứng đủ nhu cầu giao hàng và hiện tại đang có hiện tượng quá tải, không đủ shipper nội bộ của siêu thị giao hàng thiết yếu cho khách.
Về hướng giải quyết vấn đề này, BRG đang trao đổi với VN Post để cùng phối hợp, làm sao vận chuyển hàng hoá nhanh nhất đến tay người dân. Thêm vào đó, trong trường hợp nhu cầu đặt hàng quá lớn, BRG cũng huy động cả những nhân viên bán hàng đang không trong ca làm việc để đi giao hàng cho khách.
Chủ tịch công ty TNHH Bán lẻ BRG cho hay, trong tình hình dịch bệnh, công ty luôn cố gắng vận chuyển hàng hoá đến tay khách hàng sớm nhất, song song với đó là đảm bảo an toàn cho cả nhân viên và khách hàng.
“Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như thế này, chúng tôi có biện pháp kiểm soát shipper nội bộ. Chúng tôi cũng đã có cam kết với Bộ Công thương về việc đảm bảo an toàn cho shipper của BRG. Hiện tại, chúng tôi thực hiện khử khuẩn túi hàng hoá trước khi giao đồ cho khách và yêu cầu các shipper phải luôn đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên”, ông Dũng nói.
Đại diện Vinmart Hà Nội cho Lao Động biết, sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, quá trình giao hàng gặp khó khăn do một số đối tác vận chuyển tạm ngưng dịch vụ theo Công văn số 3461 của Sở GTVT. Điều này dẫn đến thời gian giao hàng chậm hơn dự kiến.
Khi được hỏi, thời gian giao các mặt hàng thiết yếu, chủ yếu là mặt hàng tươi sống lâu hơn so với ngày thường, liệu có đảm bảo chất lượng của sản phẩm, đại diện Vinmart khẳng định, với những mặt hàng tươi sống như thịt cá, hải sản, rau xanh… siêu thị sẽ phân chia và ưu tiên các đơn hàng này.
Xem thêm: odl.618439-yagnnod-nihgn-tohc-iht-ueis-oh-ohc-id-nor-nab-reppihs-hcac-naig-ion-ah/et-hnik/nv.gnodoal