vĐồng tin tức tài chính 365

Tiếng vọng từ bệnh viện dã chiến

2021-07-27 03:08

Tiếng vọng từ bệnh viện dã chiến

Trần Thanh Bình

(KTSG) - Dịch bệnh quấy đảo TPHCM gần hai tháng qua. Con số ca nhiễm tăng vùn vụt, có những ngày gấp đôi ngày trước. Nhớ lại lúc thành phố mới có vài ca, ai nấy đã nháo nhào, nay lướt báo mỗi sáng mỗi chiều, đều thấy ghi nhận hàng ngàn ca. Hôm 15-7, con số “chốt” cuối cùng là 2.691 ca, sang cuối ngày hôm sau 16-7 là 2.420 ca (giảm hơn 270 ca), thâm tâm tôi thấp thỏm mừng và hy vọng - liệu ngày 15-7 có phải là đỉnh dịch? Nhưng hôm sau, chỉ buổi sáng, Bộ Y tế đã công bố TPHCM có 1.769 ca. Và rồi đến 18-7, thống kê cuối ngày cho biết trong 24 giờ qua, thành phố ghi nhận 4.692 ca!

“Hợp chủng tỉnh” này vốn là miền đất sáng tạo. Nói như một câu trong bài xã luận đọc được mới đây của một tác giả nữ: “Sài Gòn là vùng đất vốn dễ thích ứng với những biến động”. Nhưng hơn lúc nào hết, giờ đây, thành phố phải chia ra nhiều hướng xử lý dịch với ba vấn đề nóng bỏng: ngăn chặn F0 lây lan, tập trung ưu tiên điều trị bệnh nhân nặng, và nỗ lực tiêm vaccin nhanh nhất có thể. Một trong muôn vàn cái khó khăn cùng cực hiện tại, đó là lượng bệnh nhân quá lớn, thành phố thiếu hụt cơ sở vật chất chống dịch, dẫn đến quá tải. Cho nên, việc tận dụng các khu nhà tái định cư, các khu đất còn chưa kịp đầu tư dự án để làm các bệnh viện dã chiến, xem như một sự “năng động chẳng đặng đừng” của thành phố.

Nhìn những hình ảnh khu bệnh viện dã chiến số 6 ở khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm thuộc phường An Khánh (thành phố Thủ Đức) vốn bỏ hoang từ năm năm nay đã nhanh chóng dung chứa khoảng 4.000 bệnh nhân, mới thấy sự tận dụng những cơ sở như thế vào lúc này cần thiết đến mức nào. Rồi khu đất dự án của Công ty Vạn Thịnh Phát ở quận 7, bên sông Soài Rạp cũng đã được gọi tên là bệnh viện dã chiến số 7 với sức chứa vài ngàn ca bệnh. Thành phố vẫn đang tiếp tục xây thêm một số bệnh viện dã chiến nữa... Các công trường bệnh viện được hình thành hối hả vẫn không kịp so với tốc độ lây lan các ca nhiễm Covid-19. Trong khi đó, hàng chục ngàn công nhân đang phải ngày đêm vật lộn với sản xuất, ăn ngủ tại chỗ. Có thể thấy việc ứng phó của thành phố với trận đại dịch trong những ngày này là một cuộc đua khốc liệt, không thể chậm trễ!

Trong bối cảnh ấy, một số tỉnh, thành chủ trương đón người dân của mình về lại quê hương bản quán, nhìn ở góc độ nào đó, là đang giúp giảm tải cho TPHCM, đồng nghĩa với việc sẽ bớt đi những nỗi thao thức, lo lắng vì các bệnh viện mỗi ngày một đông. Những chuyến bay từ Sài Gòn về Bình Định, Quảng Ngãi; hàng ngàn chuyến xe tình nguyện của hãng Phương Trang về Ninh Thuận, Bình Thuận và nhiều tỉnh khác chở nặng những ân tình, chia sẻ. Tôi tin trong ánh mắt ngoái lại của những người trở về cũng chất chứa yêu thương dành cho thành phố đã từng bao dung, cưu mang mình.

Còn những người trụ lại, có lẽ đều đang có chung tâm niệm và mong muốn mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải tìm cách tự bảo vệ mình, để tránh cho các bệnh viện dã chiến không bị quá tải hơn nữa. Mong muốn ấy một khi thành hiện thực, sẽ là sức đề kháng tốt nhất cho không chỉ TPHCM, và cũng là để hy vọng trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, nó sẽ không còn cơ hội tái diễn...

Xem thêm: lmth.neihc-ad-neiv-hneb-ut-gnov-gneit/316813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiếng vọng từ bệnh viện dã chiến”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools