Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng 26/7, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đánh giá lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, từ lãng phí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, lãng phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, cần đánh giá thêm cơ cấu lãng phí trong từng lĩnh vực để có những giải pháp đặc thù, phù hợp, đột phá đối với từng lĩnh vực.
Theo ông Hà, báo cáo của Chính phủ chưa nêu về tỷ lệ thu hồi tài sản do thất thoát, lãng phí. Vấn đề này dù có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, kỳ vọng của nhân dân. "Bởi lẽ, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020 được coi là năm thu hồi được tài sản tham nhũng, thất thoát, lãng phí cao nhưng cũng mới chỉ được 61%"- ông nói.
Ông nhận định, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
"Vừa rồi chúng ta tập trung chống tham nhũng rất tốt nhưng chống lãng phí thì hình như chúng ta lại chưa đủ sức để làm cả 2 việc một lúc, cho nên chống lãng phí so với chống tham nhũng còn yếu và còn kém hơn rất nhiều"- ông Hà nhìn nhận.
Trong khi đó, công tác bảo vệ người phát hiện tố giác đấu tranh chống lãng phí đã được Ban Bí thư có chỉ thị nhưng chưa làm có hiệu quả; chủ yếu mới dừng lại ở mức bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.
"Đối tượng phạm tội gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước bỏ trốn, thậm chí bỏ trốn ra nước ngoài còn nhiều. Như vụ bị can Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường bỏ trốn và bị truy nã quốc tế. Người phạm tội bỏ trốn trước hết gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Người phạm tội lại không bị trừng trị, không răn đe được những người khác không vững vàng trong xã hội. Vì vậy tài sản thất thoát do phạm tội không được thu hồi"- ông Hà nêu ví dụ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng khẳng định những lãng phí mà hiện nay cử tri và nhân dân rất là bức xúc là lãng phí trong việc đầu tư công, trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Những công trình triển khai không đúng tiến độ lại kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, như vậy lại gây ra những lãng phí của các ngành, các lĩnh vực có liên quan.
"Một lãng phí rất lớn khác là trong việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các doanh nghiệp. Rất nhiều các trụ sở làm việc của cơ quan ở những vị trí đất vàng, nhưng sử dụng không hiệu quả, thậm chí có những cơ quan đã được xây dựng ở những vị trí mới nhưng vẫn không trả những trụ sở cũ. Đó chính là việc tạo ra lãng phí"- ông dẫn chứng.
Đặc biệt, cử tri và nhân dân đang bức xúc trong chuyện chúng ta để lãng phí khi tài sản nằm ở các doanh nghiệp nhà nước không có hiệu quả, những doanh nghiệp yếu kém, những doanh nghiệp thua lỗ, điển hình như 12 đại dự án thua lỗ.
Vấn đề lãng phí trong việc sử dụng con người, sử dụng cán bộ cũng được vị đại biểu đặc biệt quan tâm. "Tôi nghe rất nhiều đơn vị, nhiều cơ quan đánh giá chỉ được 50% số cán bộ, nhân viên của các đơn vị đó thực sự làm việc có hiệu quả, còn lại chưa phải là những người làm việc có hiệu quả"- ông Cường chỉ ra.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phản ánh có dự án 26 năm vẫn nằm trên giấy, có dự án treo gần 3 thập niên, có dự án 10 năm vẫn là khu đất trống. Các dự án treo thời gian dài chưa triển khai hoặc triển khai dở dang, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, của xã hội và của người dân. Có trường hợp tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân nơi có dự án treo.
"Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị các cơ quan hữu quan cần tổng hợp có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án treo"- đại biểu nhấn mạnh.
Thế Kha