Lực lượng chức năng quận Phú Nhuận kiểm tra, nhắc nhở một trường hợp di chuyển trên đường Trường Sa lúc 18h50 ngày 26-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình hình ngày đầu thực hiện quy định này ra sao và ai, trường hợp nào được phép ra đường sau 18h?
Tấp nập về cho kịp trước 18h
17h chiều 26-7, một giờ trước khi TP.HCM áp dụng hạn chế người dân ra đường sau 18h mỗi ngày, nhiều tuyến đường có lưu lượng giao thông đông hơn do người dân tranh thủ về nhà sớm sau khi làm việc.
Tại đường Đinh Bộ Lĩnh, trước bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), 2 cảnh sát giao thông, 1 kiểm soát quân sự, 2 dân quân tự vệ cùng một số tình nguyện viên và lực lượng cơ động kiểm tra giấy tờ của người dân đi lại không ngơi tay. Ghi nhận cho thấy những người ra đường trong thời điểm này chủ yếu là người dân làm trong các lĩnh vực thiết yếu tan ca…
Với lực lượng giao hàng, sau khi trình giấy sẽ được nhân viên chốt chặn hướng dẫn trong những ngày tới không nhận đơn liên quận nữa, chỉ được giao nhận trong quận. Nhiều trường hợp khác không tham gia vào đối tác của các đơn vị giao hàng mà nhận hàng bên ngoài được yêu cầu quay đầu xe trở lại.
Trong khi đó, trên các tuyến đường khu vực trung tâm TP như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng đều đông xe cộ đi lại. Lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự quận 1 chạy xe trên các tuyến đường và phát loa thông báo cho người dân về việc hạn chế đi lại sau 18h. Sau 18h, đường sá vắng lặng hẳn, chỉ còn vài người dân do ở xa nên chưa kịp về nhà và xe tải chở hàng hóa lưu thông.
Thời điểm này, việc kiểm tra tại khu vực đường Đinh Bộ Lĩnh được siết chặt hơn. Ngoài kiểm tra giấy tờ đi lại, lực lượng chức năng còn kiểm tra hành chính người dân vì đã vào thời gian hạn chế ra đường. Do đây là ngày đầu tiên áp dụng việc hạn chế ra đường sau 18h nên cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở.
Lúc 18h30 ngày 26-7, trên một số tuyến đường tại quận Gò Vấp, vài người dân vẫn đang lỉnh kỉnh đồ đạc, nhu yếu phẩm trên xe. Có mặt tại chốt kiểm soát cầu Trường Đai giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12, anh Trần Đức Thái (làm việc tại TP Thủ Đức) cho biết anh vừa đi làm về và tranh thủ mua một số nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho những ngày sắp tới nên đã trễ quá 18h.
"Lực lượng chức năng tại các chốt cũng đã thông cảm sau khi kiểm tra đầy đủ giấy tờ của tôi. Tôi sẽ nhanh chóng trở về nhà chấp hành đúng quy định", anh Thái nói.
Shipper hoạt động ra sao?
Sáng 26-7, các chốt kiểm soát trên địa bàn TP.HCM đã tăng cường kiểm tra việc các shipper phải tuân thủ quy định về giao hàng trong thời gian giãn cách. Nhiều shipper đi giao các loại hàng không thuộc danh mục thiết yếu đã phải quay đầu.
Chiều 26-7, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo kể từ ngày 26-7 chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của TP. Các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper khẩn trương rà soát đội ngũ nhân viên, đảm bảo giảm số lượng nhân viên từ 10% tổng số nhân viên giao hàng của đơn vị.
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 cũng như quản lý, kiểm tra hoạt động của shipper. UBND TP cũng lưu ý về đặc điểm nhận diện đội ngũ shipper, ngoài giải pháp nhận diện hiện nay (thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành doanh nghiệp cấp cho shipper, đơn hàng giao - nhận).
Các đơn vị cung ứng shipper chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR. Mã này hiển thị rõ thông tin shipper, nơi cư trú, lộ trình vận chuyển, loại hàng hóa thiết yếu. Toàn bộ shipper khi ra đường phải đeo găng tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ "Shipper" màu trắng.
Đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) vắng bóng người sau 18h ngày 26-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đặc biệt, về địa bàn hoạt động, các đơn vị triển khai cho dịch vụ shipper chỉ hoạt động theo khu vực thuận tiện quản lý, hạn chế lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ phân bổ làm việc trên địa bàn một quận, huyện, TP Thủ Đức.
Riêng đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng siêu thị) phải đăng ký và được Sở Công thương TP xác nhận thẻ cho từng shipper. Chủ động phối hợp cơ quan y tế xét nghiệm nhanh định kỳ cho đội ngũ shipper.
Ngoài ra, đơn vị cung ứng shipper định kỳ đăng ký số lượng shipper tham gia và báo cáo tình hình hoạt động hằng ngày, cụ thể là số lượng shipper của đơn vị tham gia vận chuyển, các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý; trường hợp được phát hiện nghi nhiễm COVID-19 gửi về các sở Công thương, GTVT, Y tế của TP để theo dõi.
Một số đơn vị cung ứng dịch vụ shipper cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để tuân thủ quy định nhằm chung tay phòng dịch, đẩy lùi dịch. Tuy nhiên, do thời gian quá gấp nên các doanh nghiệp e ngại không kịp triển khai đầy đủ các biện pháp nhận diện bao gồm in thẻ cứng, chuẩn bị găng tay nhận diện, nghiên cứu ứng dụng mã QR.
UBND TP yêu cầu xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ. Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Sẽ xử nghiêm, không du di
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một đội CSGT - trật tự ở TP.HCM cho biết thực hiện nghiêm theo chỉ đạo TP, nhiều đội CSGT trên địa bàn TP sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp ra đường không thật sự cần thiết, nhất là sau 18h hằng ngày.
"Những trường hợp không nằm trong mục cho phép ra đường mà viện nhiều lý do không chính đáng hoặc mua, mượn áo shipper để qua mắt lực lượng chức năng, nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử lý nghiêm", vị này nói.
Theo vị lãnh đạo đội CSGT, thời gian qua lực lượng chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở, du di nhiều rồi nên bây giờ là lúc người dân cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch của TP để chung tay với TP đẩy lùi dịch bệnh.
Hơn thế nữa, được sự cho phép của Bộ Công an và lãnh đạo TP, trường hợp chống đối khi được kiểm tra, xử phạt có thể bị tạm giữ hành chính, mức phạt sẽ nặng hơn gấp nhiều lần sau khi bị tạm giữ hành chính.
UBND TP đề nghị các địa phương phát phiếu mua thực phẩm thiết yếu cho hộ gia đình theo ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc. Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
TTO - Đường phố TP.HCM sau 18h vắng tanh, CSGT-TT Công an TP Thủ Đức (khu vực 2) lập chốt để xử lý người ra đường không nằm trong diện cho phép, nhưng khi CSGT lập chốt khoảng 1 giờ trên đường vẫn 'không có một bóng người'.
Xem thêm: mth.61151747072701202-h81-uas-gnoud-ar-coud-ia-mchpt-iat-hcac-naig-tahc-teis/nv.ertiout