Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman - Ảnh: AFP, Reuters
Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và các quan chức Trung Quốc tại Thiên Tân ngày 26-7 đã căng thẳng đúng như dự báo. Việc cả hai bên cùng tranh nhau chứng minh "tôi mới là người ở thế thượng phong" ngay trước cuộc gặp đã báo hiệu sự căng thẳng được dự báo trước.
Bắc Kinh nêu yêu sách
Chính quyền Bắc Kinh đã thể hiện sự tự tin thấy rõ trong cuộc gặp tại Thiên Tân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc và truyền thông nước này đã liên tục phát đi các tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong (Xie Feng), ngay trong lúc cuộc gặp với bà Wendy vẫn chưa kết thúc. Các bản tin này rất ngắn gọn, chỉ trích dẫn ý kiến của quan chức Trung Quốc và không có phản hồi nào từ phía Mỹ.
Chẳng hạn, ông Tạ cho rằng quan hệ Mỹ - Trung rơi vào bế tắc như hiện nay là do một số người ở Mỹ đang "tưởng tượng về kẻ thù Trung Quốc", đồng thời cảnh báo chiến lược vừa hợp tác vừa đối đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thất bại, theo Tân Hoa xã.
Trong một bản tin khác, Thứ trưởng Trung Quốc chỉ trích "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" chỉ có lợi cho Mỹ và Mỹ chỉ tuân theo luật nếu có lợi cho nước này. Ông Tạ cũng cáo buộc Washington đang tập hợp các nguồn lực của toàn chính phủ và xã hội để "hạ gục Trung Quốc" trong lúc kêu gọi Bắc Kinh hợp tác.
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng tiếp xúc với Washington nhưng hai bên cần tìm điểm chung và tôn trọng sự khác biệt, hành xử với nhau một cách bình đẳng, theo tường thuật của báo South China Morning Post.
Phát biểu sau cuộc gặp, ông Tạ cho biết đã đưa cho phía Mỹ 2 danh sách: một danh sách yêu cầu các hành động Mỹ phải làm để "khắc phục hậu quả" và danh sách còn lại là các mối quan ngại của Bắc Kinh với Washington.
Trong danh sách đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các hạn chế thị thực với quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt nhắm vào quan chức và công ty Trung Quốc, bao gồm cả yêu cầu dẫn độ giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Mạnh Vãn Chu...
Danh sách thứ hai bày tỏ sự không hài lòng của Trung Quốc trước các hành động của Mỹ trong vấn đề nguồn gốc COVID-19, Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông - các hành động mà Trung Quốc cho là quấy rối đại sứ quán và tổng lãnh sự quán nước này tại Mỹ.
Báo New York Times nhận định các phát ngôn của quan chức Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang tức giận trước cách tiếp cận của chính quyền Biden, là chỉ dấu cho thấy sự không hài lòng với Mỹ đang gia tăng tại Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh cảnh báo Trung Quốc sẽ thôi thể hiện thiện chí trước các cuộc tiếp xúc ngoại giao và sẽ dựa trên những hành động của Mỹ mà đáp trả.
Mỹ vẫn thăm dò?
Trong các cuộc họp báo trước cuộc gặp tại Thiên Tân, các quan chức Mỹ đều nhấn mạnh bà Wendy sẽ thẳng thắn nêu một loạt quan ngại với Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh hành xử theo luật chung. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington không muốn sự cạnh tranh với Bắc Kinh dẫn đến xung đột, theo Hãng tin Reuters.
Việc chính quyền ông Biden theo đuổi cách tiếp cận vừa hợp tác vừa đối đầu với Trung Quốc đã gây ra tranh cãi, và với những gì quan chức Bắc Kinh thể hiện lần này, đây sẽ là đề tài tiếp tục được bàn luận ở Mỹ.
Tờ The Hill mô tả chính sách với Trung Quốc của Tổng thống Biden đang gây bối rối vì nó pha trộn quá nhiều thứ khiến người khác cảm thấy mâu thuẫn, một trong số này là vừa hợp tác vừa cạnh tranh.
Nhật báo Wall Street Journal thì thẳng thắn hơn, cho rằng chính quyền ông Biden mạnh về lời nói nhưng yếu về hành động. Chẳng hạn, trong hành động tố giác tin tặc Trung Quốc hồi tuần trước cùng các đồng minh, dù chỉ trích mạnh mẽ và cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đứng sau các vụ tấn công mạng, Mỹ lại thiếu hành động cứng rắn là các lệnh trừng phạt. Cũng có ý kiến ôn hòa hơn cho rằng việc Mỹ để ngỏ trừng phạt là để đánh động Trung Quốc thay đổi hành vi.
New York Times nhận định cuộc gặp tại Thiên Tân sẽ không thể hóa giải được những căng thẳng nào giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả hai bên cùng cứng rắn, không bên nào chịu nhường bên nào. Chuyên gia Evan Medeiros (Đại học Georgetown, Mỹ) cho rằng mục đích cuối cùng của cả Mỹ và Trung Quốc vẫn là tìm kiếm điểm cân bằng ổn định cho mối quan hệ đang căng thẳng, theo Reuters.
Mỹ: Trung Quốc làm xói mòn trật tự quốc tế
Trong thông cáo tối 26-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã có "cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở về nhiều vấn đề" với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng các quan chức ngoại giao khác của Trung Quốc cùng ngày 26-7.
Theo ông Price, bà Wendy đã nêu quan ngại về một loạt hành động của Trung Quốc mà Mỹ cho là "đi ngược lại giá trị và lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác và làm xói mòn trật tự quốc tế" trên không gian mạng cũng như trên Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết bà Sherman đã "nhắc nhở các quan chức Trung Quốc rằng con người không phải là thứ để mặc cả", chỉ ra các trường hợp công dân Mỹ và Canada bị bắt giữ hoặc cấm rời khỏi Trung Quốc.
Thông cáo kết thúc bằng việc khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mỹ - Trung trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran...
TTO - Cuộc họp quan trọng giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc ở Thiên Tân ngày 26-7 kết thúc mà không có sự đồng thuận cụ thể nào. Hai bên cũng không thảo luận về triển vọng cho cuộc gặp giữa hai ông Joe Biden - Tập Cận Bình.
Xem thêm: mth.16160951262701202-nat-neiht-pag-couc-o-ig-noum-gnurt-ym/nv.ertiout