Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn, việc có những chương trình vaccine cho nước nghèo như Covax thật sự đã trở thành cứu cánh cho người dân nhiều nước. Vậy Covax là gì và họ cung cấp những loại vaccine nào cho các quốc gia thu nhập thấp?
Trên thực tế, Covax mới được thành lập vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Nguồn cung vaccine của chương trình này chủ yếu đến từ những nước giàu và các quốc gia sản xuất vaccine chính nhằm hỗ trợ những nước nghèo không có đủ tiền mua trực tiếp từ doanh nghiệp với giá thị trường.
Khi được thành lập, mục tiêu của Covax là đảm bảo cung ứng đủ vaccine cho ít nhất 20% dân số của 92 quốc gia thu nhập trung bình và thấp trên thế giới. Covax đã đặt ra kế hoạch cung ứng 2 tỷ liều vaccine năm 2021 và 1,8 tỷ liều nữa cho năm 2022 với những quốc gia nghèo nhằm chống dịch Covid-19.
Với tầm quan trọng trên, Covax được điều hành bởi nhiều tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF)...
Quốc gia đầu tiên nhận vaccine từ chương trình này là Ghana vào tháng 2/2021. Kể từ đó, hơn 81 triệu liều vaccine đã được đưa đến hơn 120 quốc gia trên thế giới.
Thiếu hàng trăm triệu liều vaccine
Được thành lập với mục đích cao cả nhưng Covax hiện đang thiếu nguồn cung trầm trọng. Những nước cung ứng chính cho chương trình này như Ấn Độ thì lại đang phải đối phó với làn sóng dịch bệnh tăng cao, trong khi nhiều quốc gia phát triển không muốn mở kho vaccine dự trữ của mình cho nước khác.
Vào tháng 6/2021, UNICEF đã gửi thư đến cuộc họp các nước công nghiệp phát triển (G7) để hối thúc các nhà lãnh đạo quyên góp thêm vaccine. Bức thư nêu rõ hiện Covax đang thiếu khoảng 190 triệu liều vaccine để giúp đỡ những nước nghèo.
Bên cạnh đó, UNICEF cũng cảnh báo việc đổ dồn quyên góp vaccine vào cuối năm nay có thể gây lãng phí khi các đợt đỉnh dịch tại những nước nghèo đã qua. Thêm vào đó, việc triển khai tiêm chủng cần thời gian nên việc trợ giúp vaccine cần diễn ra sớm hơn là để cấp tập đến cuối năm, khi những liều vaccine đã gần hết hạn.
Nhận thức được tình hình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết viện trợ 500 triệu liều vaccine trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ đóng góp thêm 100 triệu liều.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp nhận lô vaccine Mỹ viện trợ qua cơ chế COVAX.
Hiện Covax đang được hỗ trợ chủ yếu từ những nước như Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, UAE, Pháp, ĐỨc, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bồ Đào Nha cùng một số quốc gia sản xuất vaccine lớn như Ấn Độ.
Trước khi cam kết đóng góp 500 triệu liều vaccine Pfizer cho Covax, quốc gia này đã đóng góp ít nhất 60 triệu liều. Phía Nhật Bản thì đóng góp khoảng 1 tỷ USD để Covax có thể mua vaccine từ các nguồn khác nhau.
Liên minh Châu Âu cũng đã đóng góp 500 triệu Euro cùng một khoản vay ưu đãi 500 triệu Euro nữa cho Covax. Nhiều nước Châu Âu khác cũng đóng góp riêng lẻ hơn 1 tỷ Euro cho chương trình này.
Đặc biệt, những quốc gia như Đức, Pháp, Italy và Thụy Điển đã cam kết đóng góp thêm ít nhất 100 triệu liều vaccine.
Hiện các nước G7 đang nắm giữ 1/3 nguồn cung vaccine trên thế giới dù tổng dân số chỉ vào khoảng 13% toàn cầu.
Loại Vaccine sử dụng
Hiện WHO đã cấp quyền khẩn cấp cho 6 thương hiệu vaccine để liên kết với Covax, bao gồm AstraZeneca, Pfizer, Janssen, Moderna, Sinopharm và Sinovac. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có vaccine của Pfizer và AstraZeneca được gửi đến Covax.
Trong khi đó, Moderna mới cam kết sẽ bán 500 triệu liều vaccine giá rẻ cho Covax nhưng chúng sẽ chỉ có hàng sớm nhất đến năm 2022 do nhiều nước đã đặt trước.
AstraZeneca hiện đang là vaccine được sử dụng rộng rãi nhất thế giới
Hiện tại, hơn 2 tỷ liều vaccine đã được phân phối đến hơn 190 quốc gia trên thế giới nhưng nhiều nước vẫn chưa thể tiêm chủng hết số vaccine được viện trợ. Nguyên nhân nằm ở cơ sở hạ tầng y tế yếu kém hoặc do người dân còn sợ hãi.
Theo giới truyền thông, ngay cả khi Covax đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số của 92 quốc gia nghèo thì chừng đó vẫn chưa đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.
Báo cáo của WHO cho thấy một quốc gia cần tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số mới có khả năng đạt miễn dịch cộng đồng. Đó là chưa kể đến sự bùng phát của biến thể Delta có dấu hiệu kháng vaccine hiện nay.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị