Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương được trưng dụng làm bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG
Tôi muốn viết lại những gì xảy ra với gia đình mình và muốn chia sẻ để mọi người có cái nhìn đúng hơn về dịch bệnh này.
Vào ngày 24-6:
Con trai và con dâu tôi đi xét nghiệm được xác định là dương tính. Ngay lập tức Bệnh viện Hoàn Mỹ chuyển cả hai vào Bệnh viện Trưng Vương để điều trị tập trung. Địa phương thông báo cho toàn thể thành viên còn lại trong gia đình tôi.
Tám người chúng tôi là F1 được xét nghiệm test nhanh và những điều cần thiết khác. Mọi người đều âm tính lần 1. Cán bộ y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR gửi mẫu về trung tâm Pasteur xét nghiệm.
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, toàn bộ gia đình tôi cách ly tập trung tại khách sạn H. ở quận 7. Riêng tôi cách ly tại nhà với hai đứa cháu nội sinh đôi được 4 tháng tuổi (tại nhà của tôi chỉ có tôi và 2 đứa cháu).
Tối hôm 25-6:
Tôi bắt đầu thấm thía ảnh hưởng của đại dịch. Chúng tôi nhận kết quả 4 người dương tính, gồm 3 người cách ly tập trung tại khách sạn và 1 trong 2 đứa cháu nhỏ của tôi, khả năng đứa trẻ kia cũng bị nhiễm bệnh là rất cao.
22h đêm hôm đó, chúng tôi được thông báo xe y tế sẽ đến đón hai bé cách ly ở bệnh viện. Chờ đến sáng hôm sau xe mới đến. Còn tôi được đưa đi cách ly tại khách sạn.
Tôi ẵm hai cháu giao cho nhân viên y tế chuyển trẻ đi bệnh viện, hai hàng nước mắt của người đàn ông từng trải như tôi tuôn tràn, không thể kìm nén được. Hai cháu khóc thét lên, tim tôi như bóp nghẹt, tôi không thể đưa cháu đến tận nơi được.
Đến lúc này kết quả có 7 người F0 và 3 người F1. Mẹ và chị ruột ở cạnh nhà tôi cũng buộc đưa đi cách ly tập trung.
Ngày 27-6:
Cháu gái nhà tôi lại dương tính chuyển nhanh vào bệnh viện điều trị. Liên tục các ngày sau đó tôi đều nhận được hung tin từng thành viên vào viện, bệnh tình trở nặng.
19 ngày sau:
Tình hình của mọi người được điều trị tại bệnh viện bắt đầu ổn định, chính tôi và mẹ tôi lại nhận kết quả dương tính. Cùng với sự lo toan suốt 3 tuần như vậy tôi bị suy sụp chóng vánh, trong 3 ngày tôi sụt 9kg.
Tôi đã trải qua 4 ngày chiến đấu với bệnh rất gian nan khủng khiếp, nhưng không được hỗ trợ y tế vì cho rằng tôi âm tính. Đến ngày thứ 5 có kết quả dương tính chuyển đến bệnh viện điều trị thì tôi bị suy hô hấp và phải thở bằng máy, kết hợp kháng sinh liều cao, kháng viêm, chống đông máu...
Chỉ số sinh tồn của tôi thời điểm đó rất thấp, nồng độ oxy, huyết áp, nhịp tim đều giảm đến mức tối thiểu, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đã giữ được tính mạng cho tôi.
Qua đây, tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người là: bệnh cảm cúm là bệnh cảm thông thường, còn COVID là dịch bệnh chết người, không nên xem nhẹ dịch bệnh này. Điều này rất nguy hiểm, bệnh cúm nhảy mũi, hắt xì hơi 3-4 ngày thì khỏi.
COVID nếu mắc phải thì mỗi bệnh nhân phải chiến đấu với sự sống còn rất kịch liệt tùy vào thể trạng của mỗi người.
Tôi khuyên mọi người luôn tuân thủ nguyên tắc 5K, chỉ nghe và tiếp nhận những thông tin các báo chính thống, những thông tin khác trên mạng xã hội phải chắt lọc cẩn thận, đừng tin nghe lời đồn thổi phải vất vả tranh nhau chen chúc mua thực phẩm dự trữ cho nhiều.
Tôi tin dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo ban ngành, chúng ta không chết đói. Nhưng chạy theo những tin đồn, chen lấn tranh giành mua hàng thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao và sẽ chết vì dịch bệnh đó.
Cho phép tôi cảm ơn các cấp lãnh đạo từ địa phương đến trung ương, đặc biệt đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đã chăm sóc tôi và bệnh nhân COVID như những người thân trong gia đình, động viên khích lệ tinh thần để mọi người vượt qua dịch bệnh.
Mọi người ở ngoài hãy bình tĩnh và chỉ đi ra ngoài khi thật sự cần thiết bởi chúng ta cũng có thể lây bệnh khi hàng xóm hoặc bất kỳ người nào trong chúng ta có tiếp xúc người đang nhiễm bệnh. Nếu thân nhân hay người quen mắc bệnh, hãy quan tâm, động viên, chia sẻ nhau, đừng kỳ thị, tránh xa đồng bào của mình.
Hôm nay tôi viết ra đây mong muốn các khách sạn cách ly tập trung có quy trình phù hợp, tránh những trường hợp xấu nhất xảy đến với F0.
Tự biết sức khỏe của mình có dấu hiệu nhiễm bệnh, tôi báo cho lễ tân biết để báo ngay cho cán bộ y tế, tuy nhiên cán bộ y tế lấy kết quả xét nghiệm trước đó "âm tính" nên không cho xét nghiệm lại và không có động thái nào khác.
TTO - Đối với một cô gái luôn tự xem mình là trung tâm trong gia đình, khi phải đi cách ly tập trung thì điều đó còn khủng khiếp hơn cả một cơn ác mộng. Nhưng chính trong cơn "ác mộng" đó đã giúp nó thay đổi...
Xem thêm: mth.70704040262701202-naig-nart-cux-mac-ud-iov-gnaht-tom-yl-hcac-uhk-gnort-yk-tahn/nv.ertiout