Ngày 27/7, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, CEO Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992, Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo) cùng 16 người khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng trong vụ án này, Công an TP.HCM đề nghị truy tố Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện, SN 1989, Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành), Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba Law Firm) về 2 tội Rửa tiền và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Riêng kế toán trưởng Công ty Alibaba là Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, quê Quảng Ngãi) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.
Tất cả 23 bị can trong vụ án này đã cùng nhau thành lập các công ty bất động sản, lập ra 58 dự án "ma", sau đó quảng cáo rầm rộ bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho 3924 người, chiếm đoạt số tiền 2.373 tỷ đồng.
Với thủ đoạn khá tinh vi, Nguyễn Thái Luyện hứa với khách hàng sẽ mua lại nền đất giá cao, sinh lời 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng hoặc nếu không muốn bán thì cho thuê lại lời 2% mỗi tháng.
Đối với hành vi rửa tiền, Công an TP.HCM đã làm rõ, các bị can Mai, Lực và Thắng đã chuyển số tiền 13 tỷ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp, chiếm đoạt được của khách hàng lần lượt qua các tài khoản của Thắng, Mai và Lực mở tại một ngân hàng.
Việc chuyển tiền được thực hiện trong các ngày 19/9/2019 và 20/9/2019 để che giấu nguồn gốc, sau đó rút và sử dụng cho cá nhân.
Tại cơ quan điều tra, 3 bị can khai nhận, ngày 19/4/2018, Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện, SN 1989, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba) yêu cầu Nguyễn Thái Lực đứng tên mở tài khoản tại một ngân hàng Chi nhánh Thủ Đức.
Lĩnh nói Lực khi mở tài khoản thì đăng ký số điện thoại của Lực để nhận thông tin tài khoản.
Ngày 21/11/2018, Mai yêu cầu Lực rút, chuyển số tiền này thành sổ tiết kiệm thời hạn 6 tháng cũng tại Ngân hàng ACB nhưng ở chi nhánh Bình Triệu. Sau đó, theo chỉ đạo của chị dâu, Lực rút 31 tỷ, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên, đồng thời uỷ quyền cho mình sử dụng.
Tiếp đó, Thắng theo lời của Mai rút 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm để mua hai căn nhà 96A, 96B Khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đứng tên Nguyễn Thái Lực. Trong sổ tiết kiệm của nữ kế toán trưởng vẫn còn 13 tỷ đồng.
Đến ngày 18/9/2019, khi cảnh sát bắt và khám xét toàn bộ trụ sở "tập đoàn" địa ốc Alibaba, Mai và Thắng có chứng kiến. Riêng Lực về đến trụ sở công ty nhưng đứng ngoài cửa không vào. Ba người này biết số tiền lừa đảo 13 tỷ đồng còn lại trong sổ tiết kiệm của Thắng có thể bị thu giữ nên tìm cách giải toả.
Hôm sau, Mai bảo Thắng chuyển toàn bộ tiền gốc và lãi gần 14 tỷ đồng vào tài khoản của mình đứng tên tại ngân hàng ACB. Khi tiền vào, Mai lập tức chuyển sang cho Lực và yều cầu em chồng rút tiền mặt đưa cho mình. Lực cho hết vào 2 túi xách về trụ sở Công ty Alibaba giao lại cho Mai. Người phụ nữ này sau đó mang tiền đi tiêu xài cá nhân và trả nợ, hiện cảnh sát chưa thu giữ được.
Quá trình điều tra, Công an TP HCM đã phong tỏa, tạm giữ hàng chục tỷ đồng trong tài khoản của các nhân viên và pháp nhân thuộc Công ty địa ốc Alibaba, kê biên tổng cộng 650 thửa đất với tổng diện tích hơn 447 ha. Theo định giá của cơ quan chức năng, tổng số tài sản thu hồi được là hơn 1.550 tỷ đồng.
Ngoài các bất động sản, đất nông nghiệp... do Công ty địa ốc Alibaba và các công ty vệ tinh đứng tên, nhiều tài sản khác có giá trị hàng chục đến hàng trăm tỷ khác mang tên cá nhân đang được cơ quan điều tra xác định mua bằng nguồn tiền lừa đảo. Trong đó, Nguyễn Thái Lực đứng tên nhiều nhà đất tại TP HCM, Bình Thuận, Đồng Nai... Riêng các bất động sản ở Đồng Nai có giá trị lên đến hơn 600 tỷ đồng.
Làm việc với cảnh sát, Lực khai, không được giao nhiệm vụ cụ thể tại Công ty địa ốc Alibaba, chỉ làm theo chỉ đạo của Luyện, đứng tên nhận chuyển nhượng các thửa đất nông nghiệp. Tiếp đó, anh ta với tư cách giám đốc các công ty con ký hợp đồng lập dự án, giao toàn bộ về cho công ty mẹ phân phối, thu tiền của khách hàng.
Toàn bộ chức danh, tiền góp thành lập các công ty, hồ sơ, thủ tục, hợp đồng, tiền chuyển nhượng... đều do Luyện chỉ đạo các bộ phận của Công ty Alibaba làm còn Lực chỉ việc ký tên. Anh ta chỉ được hưởng lương 10 triệu đồng mỗi tháng, ngoài ra không được hưởng lợi hay tham gia điều hành, quản lý các công ty đồng thành lập, thậm chí ngay cả Công ty Big bang - nơi làm chức Chủ tịch HĐQT.
Kết luận điều tra cho rằng, Lực cũng như các nhân viên khác (cổ đông tham gia thành lập Công ty Big Bang) đều chỉ ghi góp số tiền còn thực chất không bỏ đồng nào. Công ty này cũng không hoạt động, thành lập chỉ để ký kết các hợp đồng, nhận làm chủ đầu tư dự án theo chỉ đạo của Luyện với mục đích hợp thức hóa việc giao dự án về Công ty Alibaba.
Khi khám xét Công ty Alibaba và các công ty thành viên, cảnh sát thu giữ hơn 9 tỷ đồng, 250 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng, 3 ôtô, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... được cho là tang chứng vụ án.
Han (t/h từ Người Lao Động, Vnexpress)