Đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng cần bố trí đủ nguồn lực cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 27-7, Quốc hội thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 đến nay chỉ còn 2,75%, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự đổi thay đáng kể bộ mặt của nông thôn, miền núi, giúp người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Tuy vậy, có thực tế là mỗi chương trình điều hành một kiểu, theo các cơ chế, định mức tài chính khác nhau, nên rất khó có thể lồng ghép, làm cho chính quyền địa phương lúng túng, người dân thiệt thòi, giảm hiệu quả.
Vì vậy, đại biểu Hiền cho rằng cần thống nhất chung một ban chỉ đạo để điều phối, điều hành. Xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu về việc làm có thu nhập đối với hộ nghèo để là cơ sở đánh giá hiệu quả. Cố gắng bố trí đủ nguồn lực, tránh tình trạng khó khăn về kinh phí dẫn đến khó khăn cho công tác giảm nghèo tại các địa phương trên cả nước.
Nêu quan điểm công nghệ thông tin truyền thông có vai trò lớn trong nông thôn mới, đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) chỉ ra nhìn trên bản đồ Internet có nhiều khoảng trống ở một số vùng, như Tây Bắc, Tây Ninh chỉ đạt mức thấp về sử dụng công nghệ thông tin.
"Chương trình hỗ trợ 550.000 hộ nghèo điện thoại thông minh, nhưng nếu hỗ trợ vào khu vực không có Internet hay điện lưới thì phát triển thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng nông thôn, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, cho bà con không nghèo và công nghệ, truyền thông.
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhắc đến hình ảnh hàng trăm nghìn người từ thành thị trở về nông thôn tránh dịch rất xúc động, để khẳng định mục tiêu thực hiện các chương trình là làm sao để nông thôn là "nơi đáng sống, là nơi để quay về".
Thực tế nhiều chương trình vừa qua thực hiện đều thiên về xây dựng hạ tầng, cầu đường, trụ sở, trạm… mà thiếu quan tâm điều kiện nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế. Do đó, ông Hoan cho rằng vấn đề quan trọng là phải tạo tính bền vững thu nhập, sinh kế người dân.
"Nếu 5 năm sau cũng chỉ trồng lúa như 5 năm trước, không kết nối bà con với thị trường thì không thể nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần. Do đó, sự bền vững, giá trị mới của chương trình đó là tiếp tục phát triển hạ tầng, gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Ông nói Thủ tướng vừa chỉ đạo ngành xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng. Do đó, chiến lược tới đây sẽ tập trung tái cơ cấu ngành, nâng cao thu nhập người dân trên cơ sở triển khai mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, bảo quản sau thu hoạch, tăng chế biến, gắn yếu tố văn hóa...
TTO - Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo. Tới đây, giảm nghèo không chỉ làm bằng trí tuệ, mà phải làm bằng trái tim. Mỗi xã, phường, thôn phải có một chương trình hỗ trợ người nghèo…