- Cần chính sách đột phá về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ
- Hà Nội có thêm trên 550.000 m2 nhà ở xã hội năm 2020
- Người thu nhập thấp khó với tới nhà ở xã hội
- Thiếu quỹ đất cho nhà ở xã hội
- Nhà ở xã hội cho thuê không còn hấp dẫn
- Phát triển nhà ở xã hội: Gặp khó vì thiếu vốn
Ngày 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bày tỏ sự đồng tình cao về Tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với cách tiếp cận, phương pháp cân đối, khoa học, khả thi, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Thuận đề nghị Quốc hội bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vào danh mục đầu tư công và quan tâm bố trí vốn cho nhiệm vụ này.
ĐBQH Nguyễn Đình Khang trong phiên thảo luận tại tổ. |
Theo ông, một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở. Thực tế triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, bức xúc này càng lộ rõ. Hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao.
"Điển hình, có những địa phương tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự", đại biểu lấy ví dụ.
Nêu báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng về việc cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha), tức chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng; riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có 2.580.000 m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330 nghìn người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh con số này thật quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Để hiện thực hóa chủ trương ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng rất cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm "vốn mồi" cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân vì chúng ta không thể khoán trắng nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Đình Khang đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương.