Câu hỏi then chốt: chúng ta muốn gì?
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Ba đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đây, rõ ràng chúng ta muốn dập hẳn dịch, không để xảy ra lây lan trong cộng đồng, nên chiến lược đối phó đã đi theo hướng mong muốn đó: nhanh chóng phát hiện các ca F0 để điều trị tập trung, truy lùng dấu vết tiếp xúc để tìm ra các F1, cũng để cách ly tập trung.
Ba đợt đó mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 còn tương đối thấp cho nên chiến lược mang tính quyết liệt như thế đã thành công. Đợt dịch nào cũng kéo dài một thời gian rồi bị dập tắt hoàn toàn - nước ta có những khoảng thời gian dài vắng bóng các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khác hẳn những lần trước vì biến thể Delta của con virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh, dẫn tới việc thay đổi chiến lược đối phó cùng các đợt giãn cách xã hội kéo dài hơn, mạnh mẽ hơn. Từ đó đã có nhiều ý kiến bàn luận việc đúng sai, phù hợp hay không phù hợp các biện pháp mới được đưa ra. Thiết nghĩ trước khi có ý kiến nhận định, cần phải trả lời một câu hỏi then chốt: chúng ta muốn gì?
Chẳng hạn khi câu trả lời là: chúng ta muốn giảm xuống mức thấp nhất các ca bệnh Covid-19 nặng tử vong. Mong muốn này sẽ trở thành chỉ dẫn cho mục tiêu tiêm chủng vaccin phòng ngừa Covid-19, sẽ ưu tiên cho những người có bệnh nền, người lớn tuổi chứ không phải ưu tiên cho các giáo viên, kể cả giáo viên người nước ngoài trong khi học sinh đang còn trong kỳ nghỉ hè kéo dài.
Còn giả dụ câu trả lời là muốn không để hệ thống y tế bị quá tải, nhân viên y tế kiệt sức vì dịch bệnh còn kéo dài, rõ ràng lúc đó cần chuyển chiến lược như đã chuyển: cho phép các ca F1 tự cách ly ở nhà; các ca F0 chưa có triệu chứng được tự theo dõi tình hình sức khỏe ở nhà... Mỗi mong muốn sẽ dẫn tới những biện pháp khác nhau và nhìn từ các mong muốn đều rất hợp lý: duy trì cuộc sống ở một mức độ bình thường nào đó - cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại, cho bán thức ăn đã chế biến có người giao hàng; khoanh vùng lây nhiễm dồn lại thành từng cụm với quy mô nhỏ dần - tiếp tục biện pháp phong tỏa gắt gao các khu có nguy cơ rất cao...
Mong muốn trong thời gian có dịch là rất nhiều, nhất là các doanh nghiệp, không ai không muốn duy trì sản xuất hoạt động kinh doanh ở mức cao nhất. Tuy nhiên nguồn lực của chúng ta là có hạn, không thể đặt ra nhiều mong muốn cùng lúc. Người lãnh đạo có trách nhiệm, vì thế, không cần phải quá quan tâm đến các cuộc tranh luận nên như thế này hay nên như thế kia; vấn đề là xác định được mục tiêu chúng ta muốn hướng đến trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để từ đó có chiến lược và biện pháp thích hợp. Cái khó của người lãnh đạo là khi xác định mục tiêu, phải lắng nghe nguyện vọng của người dân, nhất là những người nghèo, dễ bị tổn thương vì dịch bệnh, đối chiếu với nguồn lực, cân đối với các mong muốn khác của các tầng lớp người dân khác nhau để có quyết định đúng đắn.
Và có lẽ trong ngắn hạn, câu trả lời được nhiều người đồng tình nhất vẫn là ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe và tính mạng của người dân.
Xem thêm: lmth.ig-noum-at-gnuhc-tohc-neht-ioh-uac/075813/nv.semitnogiaseht.www