Ứng dụng gọi xe công nghệ Grab cho biết từ 22h ngày 27.7 sẽ tạm ngưng cung cấp tất cả các dịch vụ, bao gồm cả giao hàng và đi chợ hộ tại Hà Nội để phòng chống dịch. Trước đó, ứng dụng Be cũng tạm dừng tất cả dịch vụ ở TPHCM.
Nhiều ứng dụng công nghệ tạm tắt tất cả dịch vụ
Trao đổi với Lao Động, đại diện Grab cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, đơn vị này đã tạm ngưng cung cấp các dịch vụ kết nối qua ứng dụng Grab, bao gồm dịch vụ vận chuyển (GrabBike, GrabCar, GrabTaxi) và dịch vụ giao nhận thức ăn (GrabFood) trên địa bàn thành phố Hà Nội từ 6h ngày 24.7.2021.
Các dịch vụ giao nhận hàng hóa (GrabExpress), đi siêu thị, đi chợ hộ (GrabMart) đã được duy trì nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dùng, giảm tập trung đông người, góp phần vào nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của thành phố.
Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng, đồng thời tăng cường phòng chống dịch COVID-19, Grab cho biết sẽ tạm tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart tại Hà Nội từ 22h ngày 27.7 cho đến khi có thông báo mới.
"Việc tạm tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart tại Hà Nội vào thời điểm này có thể gây ra một số bất tiện cho người dùng và đối tác, nhưng với tinh thần tuân thủ và nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, chúng tôi hy vọng nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của người dùng và đối tác tại Hà Nội", Grab cho biết.
Cùng ngày, ứng dụng gọi xe Be cũng bất ngờ thông báo tạm ngưng cung cấp tất cả các dịch vụ tại TPHCM từ 10h ngày 27.7 đến ngày 1.8 hoặc đến khi có thông báo mới.
Đại diện hãng thông tin, đây là quyết định chủ động từ Be Group - đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be, sau khi cân nhắc các tình huống một cách thận trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại TPHCM. Việc này cũng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho khách hàng và tài xế.
Shipper nào sẽ được vận chuyển hàng thiết yếu ở Hà Nội?
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện có gần 700 người sử dụng xe môtô 2 bánh vận chuyển hàng của các doanh nghiệp vừa được Sở này lập danh sách, để xem xét cấp thẻ vận chuyển.
Danh sách này thuộc các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, bưu cục trên địa bàn. Doanh nghiệp có số shipper được xem xét cấp thẻ vận chuyển nhiều nhất là Công ty TNHH Bán lẻ BRG với 182 người.
Căn cứ danh sách này, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đăng ký các thông tin (nêu đầy đủ họ tên, số điện thoại, biển số xe...) gửi về Sở Công Thương để tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận. Và Sở này sẽ gửi xác nhận qua tin nhắn cho các lái xe để tham gia vận chuyển hàng hóa. Sau khi nhận được tin nhắn, shipper chụp lại màn hình tin nhắn xác nhận của Sở GTVT, xuất trình khi lực lượng chức năng yêu cầu.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thái Dũng – Chủ tịch Công ty TNHH Bán lẻ BRG - cho biết, phía công ty đã lập danh sách thông tin cá nhân của các shipper nội bộ để gửi lên Sở Công Thương Hà Nội nhằm kiểm soát việc đi lại của các shipper này. Nhưng hiện Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa cấp mã QRCode cho shipper.
Chủ tịch công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, trong tình hình dịch bệnh, công ty luôn cố gắng vận chuyển hàng hoá đến tay khách hàng sớm nhất, song song với đó là đảm bảo an toàn cho cả nhân viên và khách hàng.
Tuy nhiên, đang có nhiều bất cập vì lượng ôtô ít, không đáp ứng đủ nhu cầu giao hàng và hiện tại đang có hiện tượng quá tải, không đủ shipper nội bộ của siêu thị giao hàng thiết yếu cho khách.
“Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như thế này, chúng tôi có biện pháp kiểm soát shipper nội bộ. Chúng tôi cũng đã có cam kết với Bộ Công Thương về việc đảm bảo an toàn cho shipper của BRG.
Hiện tại, chúng tôi thực hiện khử khuẩn túi hàng hoá trước khi giao đồ cho khách và yêu cầu các shipper phải luôn đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên”, ông Dũng nói.