Liên quan đến Công văn 5944/BYT-YDCT ngày 24-6 của Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành mua sắm, đấu thầu sử dụng các sản phẩm cho việc hỗ trợ điều trị COVID-19 và văn bản thu hồi hai ngày sau đó, PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận các nhà thuốc ở TP.HCM và Hà Nội về biến động giá và liên lạc với Cục Quản lý Y Dược cổ truyền để làm rõ.
Có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán nên thu hồi
Về hai công văn của Bộ Y tế, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, cho biết: Trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh, cục có đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19, kết quả bước đầu là an toàn và hiệu quả.
Các công văn của Cục Y Dược cổ truyền gây nguy cơ nâng giá (ảnh minh họa). Ảnh: T.NGỌC
Khi dịch ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, cục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo bộ và bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại phía Nam tiếp tục sử dụng... Tuy nhiên, sau khi Công văn số 5944 ban hành, có một số thông tin phản ánh là nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
“Sau khi rà soát, cục đã phối hợp với các vụ/cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất lãnh đạo bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo quy định” - ông Nguyễn Thế Thịnh nói.
Ông cho biết thêm: Lãnh đạo Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát để có hướng dẫn phù hợp nhằm bảo đảm huy động được mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và khuyến cáo người dân không tự tìm mua các sản phẩm về sử dụng vì phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Theo dòng sự kiện • Ngày 3-6, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế (cục) có Công văn 515/YDCT-VP gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đề nghị tiếp nhận, “hướng dẫn sử dụng” hỗ trợ điều trị COVID-19 mà cục tiếp nhận qua hỗ trợ của các đơn vị cung cấp (kèm danh mục các loại thuốc mà cục đã tiếp nhận). • Ngày 24-6, cục có Công văn 648/YDCT-QLY gửi các sở Y tế tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM đề nghị chỉ đạo sử dụng cho người nhiễm COVID và F1 (kèm danh mục các loại thuốc). • Ngay sau đó, các sở Y tế có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế quận, huyện, đề nghị sử dụng cho người nhiễm COVID-19 và y bác sĩ chống dịch, đối tượng F1. • Ngày 24-7, Bộ Y tế có Công văn 5944/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, đề nghị các sở chỉ đạo mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận, sử dụng 12 sản phẩm theo danh mục. + Ngày 26-6, Bộ Y tế có Công văn 5967/BYT-YDCT thu hồi công văn trước đó vì “có một số nội dung chưa phù hợp”. |
Lý do thu hồi trong công văn quá mơ hồ
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc Bộ Y tế đưa danh mục thuốc vào Công văn 5944 là không phù hợp, chưa kể trong danh mục này có nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng, vi phạm Thông tư 44/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.
Trong đó, người kê đơn không được ghi vào đơn thuốc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.
Luật sư Thái khẳng định: Việc kê khai danh mục thuốc của Bộ Y tế là chưa phù hợp, dẫn đến sự hiểu lầm của người dân về hiệu quả của thuốc trong danh mục.
Về việc thu hồi công văn của Bộ Y tế, luật sư Thái cho hay pháp luật cho phép các cơ quan, tổ chức thu hồi văn bản đã ban hành. “Tuy nhiên, việc thu hồi mà không giải thích rõ ràng lý do thu hồi như công văn của Bộ Y tế đã đưa ra sẽ dẫn đến sự hoang mang cho người dân, gây bức xúc và dễ tạo ra những dư luận trái chiều” - ông nói.
Gây nhộn nhạo trên các trang bán hàng online
Sáng 27-7, chúng tôi liệt kê 12 loại thuốc y học cổ truyền từng được Bộ Y tế đưa vào danh mục đến các nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM hỏi mua.
Nhìn vào danh mục, nhân viên nhà thuốc trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) cho biết lâu này chỉ bán Hoạt huyết Nhất Nhất với giá không đổi là 99.000 đồng/hộp, các loại khác không có vì “chẳng ai mua”.
PV tiếp tục tới nhà thuốc khá lớn trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), nhân viên cho hay: Trước giờ không bán các loại thuốc này. “Gọi là thuốc chứ thực ra có nhiều loại là thực phẩm bổ sung. Đa phần các loại thuốc y học cổ truyền khó bán. Trong giai đoạn COVID-19 hiện nay, nhiều nhà sản xuất quảng cáo để mong bán được sản phẩm. Đa phần các loại thuốc này là bán trên mạng” - nhân viên nói.
Đến các nhà thuốc khác, họ đều lắc đầu, cho hay là không bán mặt hàng này.
Chúng tôi đến tiệm thuốc Đông y khá lớn ở quận 5, khi đưa 12 loại thuốc nói trên, chủ tiệm nói: “Chỗ tôi cũng không bán các loại thuốc này vì giá cao mà tác dụng chỉ chữa được những bệnh thông thường như ho, cảm, sổ mũi. Các loại thuốc này chẳng thể kháng virus COVID-19 được. Muốn ngăn ngừa thì bồi bổ sức khỏe, tập thể dục, mang khẩu trang, không tập trung đông người…”.
Tương tự, tại Hà Nội, PV hỏi nhiều nhà thuốc họ cũng cho hay là “không ai mua nên chẳng bán”.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, các loại thuốc trên rao bán khá nhiều, giá tăng.
Chẳng hạn ImBoost có tác dụng tăng đề kháng hệ miễn dịch, giảm nguy cơ viêm đường hô hấp, giảm căng thẳng, mệt mỏi, được rao bán với giá 520.000 đồng/hộp. Nasagast-KG rao giá 900.000 đồng/hộp. Riêng viên nang Kovir viên nang mềm có giá 250.000 đồng/hộp, viên nang cứng mỗi hộp giá 1 triệu đồng…
Quản lý thị trường vào cuộc Trước thông tin một số loại thuốc cổ truyền mà công văn của Bộ Y tế liệt kê tăng giá, ngày 27-7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng COVID-19...”. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó. Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành nắm bắt diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với những mặt hàng nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. |