Báo cáo của công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết đến năm 2011, trung bình mỗi hộ nông dân Việt Nam chỉ nuôi chưa tới 7 con heo. Còn những năm gần đây, nhiều địa phương bắt đầu hình thành những vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo kiểu trang trại và đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh cũng như hiệu quả kinh tế và những công ty chăn nuôi chuyên nghiệp.
Không những vậy, chăn nuôi heo còn là cứu cánh của nhiều doanh nghiệp trước bối cảnh thua lỗ triền miên. Điển hình là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Công ty này vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với lợi nhuận trước thuế 69 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 87 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 8 quý liên tiếp báo lỗ.
Nguyên nhân là do lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ được cải thiện, nhờ các sản phẩm từ ngành chăn nuôi heo, lãi từ thanh lý các khoản đầu tư vào Nhóm các công ty HAGL Agrico và chi phí lãi vay giảm.
Ngoài Hoàng Anh Gia Lai, hiện tại Việt Nam có những doanh nghiệp lớn nào đang đầu tư vào lĩnh vực này?
Tập đoàn C.P Việt Nam
Năm 1993, tập đoàn C.P Thái Lan thành lập pháp nhân công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đồng Nai. Sau gần 30 năm, C.P Việt Nam là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Năm 2020, mảng nông nghiệp của C.P. tại Việt Nam đạt doanh thu 3,477 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Lợi nhuận (trước thuế) thu về 966,7 triệu USD, tăng 125%. Với doanh thu hơn 3 tỷ USD, hiện chưa có công ty nội địa nào thực sự là đối thủ đáng gờm của C.P.
Tập đoàn Masan
Tháng 10/2011 , Masan Nutri-Science được thành lập với tên gọi Công ty TNHH Một Thành Viên Hoa Kim Ngân. Sau nhiều thường vụ M&A, đến năm 2016 tập đoàn biến Masan Nutri- Science thành một trong những công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Mục tiêu của Masan Nutri-Science là thay đổi chuỗi giá trị thịt của Việt Nam nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt có thương hiệu, ngon và sạch. Tháng 11/2016 , Masan Nutri-Science (N.A) khởi công trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An.
Năm 2018 Masan Nutri-Science cho ra đời thường hiệu MEATDeli và khởi công dự án trị giá 1.800 tỷ đồng tại Long An.
Tập đoàn Dabaco
Năm 2008, tập đoàn Dabaco thành lập công ty thành viên chuyên chăn nuôi lợn là Công ty TNHH Đầu tư phát triển chăn nuôi lợn DABACO với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 10.022 tỉ đồng, tăng trưởng 39%. Trong đó, lợi nhuận ròng 1.400 tỉ đồng, gấp 4,6 lần năm 2019. Cũng theo cơ cấu 3F, doanh thu trong năm qua Tập đoàn Dabaco, mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 3.105 tỉ đồng, tăng 35%; mảng sản xuất con giống và chăn nuôi đạt 5.941 tỉ đồng, tăng 27%... Lợi nhuận sau thuế của 2 mảng này năm 2020 đạt lần lượt 996 tỉ đồng và 1.045 tỉ đồng, cao lần lượt gấp 4,6 lần và 13,7 lần so với năm 2019.
Tập đoàn Hòa Phát
Tháng 3/2015, Tập đoàn Hòa Phát gây xôn xao giới kinh doanh - đầu tư khi quyết định gia nhập ngành nông nghiệp. Bước sang năm 2016, Hòa Phát thành lập Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hòa Phát có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2022, Hòa Phát sẽ đạt công suất 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, 450 nghìn tấn đầu heo thương phẩm (giống và thịt), 150 nghìn con bò thịt và 168 triệu trứng gà/năm.
Công ty TNHH New Hope
New Hope Việt Nam là công ty được thành lập bởi tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc New Hope Group. Công ty này có trang trại chăn nuôi New Hope Bình Phước với quy mô 48.000 heo thịt/năm. Năm 2020, công ty này triển khai đầu từ ba dự án trang trại nuôi lợn với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam và có tổng công suất lên tới 27.000 heo nái.
Tập đoàn Mavin
Mavin là công ty lớn thứ 3 trên thị trường về lĩnh vực chăn nuôi lợn (xét trên quy mô tổng đàn lợn thịt và mạng lưới hợp tác chăn nuôi).
Hiện nay Mavin Farm sở hữu 4 Trung tâm heo giống hạt nhân công nghệ cao, hợp tác với 100 trang trại chăn nuôi trên toàn quốc, mỗi năm cung cấp trên 2.000 heo ông bà cụ kỵ, 30.000 heo nái sinh sản và 400.000 heo thịt chất lượng cao.
Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam
Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam, tiền thân là Công ty TNHH Greenfeed Việt Nam, được thành lập năm 2003.
Đến năm 2010, công ty này hợp tác với công ty dẫn đầu công nghệ di truyền giống toàn cầu, chiếm 25% thị trường con giống heo thế giới.
Trang trại heo giống và chăn nuôi heo thương phẩm được Greenfeed đầu tư trên 30 triệu USD, áp dụng công nghệ chăn nuôi tân tiến. Công ty này cho biết có khả năng cung cấp cho thị trường trên 50.000 heo nái bố mẹ GF24 và khoảng 350.000 heo thịt.
Liên doanh DEHEUS & HÙNG NHƠN
Tháng 9/2020, tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã tổ chức lễ khởi công dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk”. Dự án chăn nuôi heo và nông nghiệp này có quy mô khoảng 200 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án từ quý III/2020 đến quý IV/2025.
Liên doanh giữa tập đoàn Trường Hải và Hùng Vương
Thời điểm giữa năm 2020, Công ty cổ phần Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (thuộc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải – Thaco) công bố hợp tác chiến lược giữa THADI và với Công ty cổ phần Hùng Vương.
Thadi nắm 65% liên doanh Thadi – HVG trong mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con, trị giá đầu tư 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ đầu tư chăn nuôi heo thịt với quy mô 1,2 triệu con một năm để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tập đoàn Xuân Thiện
Tập đoàn Xuân Thiện do ông Nguyễn Văn Thiện (sinh năm 1970) làm Chủ tịch HĐQT, là con trai cả của ông Nguyễn Xuân Thành - người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành (Ninh Bình). Hai người em trai của ông là Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy - sinh năm 1976) - Chủ tịch HĐQT Thaiholdings tập trung mảng phát triển bất động sản và ông Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1988) - người điều hành mảng sản xuất và kinh doanh xi măng.
Hồi đầu năm 2021, Tập đoàn Xuân Thiện đề xuất đầu tư dự án “Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao và logistics Xuân Thiện Đắk Lắk” với tổng vốn gần 1 tỉ USD. Đến tháng 5/2021, tập đoàn này tiếp tục được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2. Mục tiêu dự án là chăn nuôi heo và sản xuất heo giống, với diện tích sử dụng đất khoảng 97,04 ha. Công suất dự kiến: 5.000 heo nái, 35.000 heo thịt; sử dụng khoảng 150 lao động. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư khoảng 375 tỷ đồng (chiếm 15%); vốn huy động khoảng 2.125 tỷ đồng (chiếm 85%).
Tập đoàn KDI HOLDINGS
Năm 2020, tập đoàn KDI Holdings đầu tư vốn vào dự án liên hợp nông nghiệp công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk thông qua Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An. Quy mô dự án gồm trại heo giống bố mẹ với 10.000 con, trại heo giống ông bà cụ kị 2.000 con, trại heo thịt thương phẩm 144.000 con, khu sản xuất ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 30.000 tấn mỗi năm, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ phế thải trang trại. Dự án này có quy môt 2.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam
Japfa đầu tư vào Việt Nam năm 1996 bằng hình thức liên doanh với Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam. Đến năm 1999 trở thành Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài với tên gọi Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Năm 2020, Japfa Comfeed Việt Nam khởi công dự án Trang trại heo thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích gần 40 ha, dự án sẽ cung ứng cho thị trường hơn 130.000 heo thịt, tương đương hơn 14.000 tấn thịt heo mỗi năm.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị