Quốc hội phê duyệt nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công trong 5 năm tới - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 28-7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, thống nhất trong 5 năm tới, tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 8,3 triệu tỉ đồng, gồm thu từ thuế, phí chiếm 13-14%; thu nội địa bình quân 85-86% tổng GDP.
Tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỉ đồng, với tỉ trọng chi đầu tư phát triển bình quân 28% (2,87 triệu tỉ đồng), chi thường xuyên chiếm 62-63%.
Nghị quyết cũng nêu mục tiêu phấn đấu tăng tỉ trọng chi đầu tư đạt khoảng 29%, giảm tỉ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% và bội chi ngân sách nhà nước cho cả giai đoạn bình quân 3,7% GDP.
Quốc hội cũng thống nhất tổng mức vay trong 5 năm tới là 3,068 triệu tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương vay khoảng 2,9 triệu tỉ đồng với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỉ đồng. Tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148.000 tỉ đồng và nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35.300 tỉ đồng.
Quốc hội đặt ra mục tiêu hằng năm trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP…
Giải trình thêm trước khi đại biểu biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển, không chỉ có nhu cầu vay nợ để tăng đầu tư mà còn phải dự phòng các tác động phức tạp của đại dịch COVID-19.
Theo đó, để bảo đảm an toàn nợ công, Quốc hội yêu cầu thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp các chỉ tiêu nợ công chạm ngưỡng cảnh báo, Chính phủ báo cáo Quốc hội để có giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công cũng như chấp hành nghiêm kỷ luật ngân sách.
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Tổng mức vốn đầu tư công trung hạn là 2,87 triệu tỉ đồng, dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương để xử lý những vấn đề phát sinh. Trong số này sẽ bố trí gần 65.800 tỉ đồng để thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia gồm cảng hàng không quốc tế Long Thành, hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1).
Trong đó riêng cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1) được bố trí hơn 38.7000 tỉ đồng.
Ngân sách dành cho chương trình nông thôn mới được bố trí tối thiểu hơn 196.300 tỉ đồng để thực hiện, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bố trí tối thiểu 75.000 tỉ đồng cho chương trình giảm nghèo để giảm 1-1,5%/năm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Để thực hiện hiệu quả, Quốc hội yêu cầu quá trình thực hiện phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh…
TTO - Tính đến hết năm 2020, nợ công quốc gia tương đương 55,3% GDP của nền kinh tế, trong đó nợ nước ngoài chiếm 47,3% GDP, thấp hơn trần Quốc hội giao trong kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Xem thêm: mth.43523031182701202-iot-man-5-gnort-on-yav-gnod-it-ueirt-3-noh-teyud-ehp-ioh-couq/nv.ertiout