Đầu tháng 7, một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng kỳ hạn 1 tháng chênh lệch lớn, lên cao nhất tới 1,1%.
Ngân hàng Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-36 tháng ở mức 0,2 điểm %. Mức lãi suất thấp nhất trên thị trường hiện nay là 2,9%/năm thuộc về Techcombank. Theo sau đó là MSB, MB với lãi suất huy động đạt 3%/năm.
Trong khi đó, Top 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank trước giờ vẫn có lãi suất thấp thì nay cả 4 ngân hàng đều đạt 3,1%/năm. Đây cũng là mức lãi suất mà Kienlongbank, Saigonbank, Sacombank và VPbank đang huy động từ khách hàng.
Loạt ngân hàng như CBBank, SeABank, VIB, Eximbank và TPBank đang có mức lãi đạt 3,5%.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến người dân đem tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác thay cho gửi tiền vào ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm, một số ngân hàng hút mạnh tiền gửi, tăng trưởng trên 10% nhưng nhiều ngân hàng khác lại ghi nhận tiền gửi sụt giảm đơn cử như SeABank giảm 4,7%; NCB giảm 4%; Saigonbank giảm 0,3%; PGBank giảm 0,2%.
Lãi suất tiền gửi giảm khoảng 1,5-2,5%/năm trong hơn 1 năm qua, lãi suất tiết kiệm 1 tháng tại nhiều ngân hàng chỉ ở mức 3,1-3,3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, nếu người dân gửi tiền tại các ngân hàng có xu hướng giảm thì tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại có mức tăng cao hơn. Nguyên nhân cho là do ảnh hưởng dịch bệnh, lo ngại rủi ro khiến doanh nghiệp chọn giải pháp tích lũy tiền trong ngân hàng.
Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất hạ dần lãi suất tiết kiệm VND về mức 0%.
Theo VAFI, điều này không có gì phi lý khi mức lãi suất này hiện đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi).
Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia khẳng định, VAFI đang đánh đồng lãi suất của Ngân hàng Trung ương với Ngân hàng thương mại. Trên thế giới không có Ngân hàng thương mại nào có lãi suất 0%.
Thực tế mà nói, không giống với nước ngoài, nhiều người dân Việt có thói quen gửi tiền tiết kiệm và ăn "lãi", họ coi đó là 1 kênh đầu tư.
Nếu lãi suất tiền gửi là 0%, lãi suất vay sẽ giảm đáng kể, dòng vốn sẽ tự động chảy vào các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ (nếu bất động sản bị kiểm soát), vô hình trung "dìm" tiền nội địa xuống. Vậy ngân hàng sẽ huy động vốn ở đâu?
Hơn nữa, chính sách lãi suất tiết kiệm 0% sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao (4%). Nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, điều này sẽ gây rúng động hệ thống tài chính, đưa đến khủng hoảng cho các ngân hàng, đặc biệt là về thanh khoản.
Việc hạ lãi suất tiền gửi về mức 0% có thể ngay lập tức khiến Việt Nam bị xem là có hành động can thiệp mạnh về chính sách tiền tệ để hạ giá đồng tiền thông qua điều chỉnh giảm lãi suất. Trong bối cảnh chúng ta đang bị quan sát về thao túng tiền tệ, đây sẽ là bước đi sai lầm làm gia tăng căng thẳng về vấn đề này.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, mọi chính sách tài chính mới cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Min (Tổng hợp từ Vietnamnet/Café F)