Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tung tin giả nhằm tạo lo lắng cho người dân ùn ùn kéo nhau đi mua nhu yếu phẩm về tích trữ rồi thừa cơ hội tăng giá gấp nhiều lần để trục lợi; tung hình ảnh giả về bệnh nhân COVID-19 chết la liệt trong bệnh viện, người dân tự thiêu vì phản đối về công tác chống dịch… hòng gây chia rẽ lòng dân, chống phá chính quyền. Trước thực trạng trên, các đơn vị nghiệp vụ Công an đã khẩn trương vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
Bịa đặt thông tin để phá hoại, trục lợi…
Lợi dụng lúc chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong ngày 12 và 13-7-2021, mạng xã hội lan truyền không ít tin: "Từ 0 giờ ngày 15-7, TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa toàn thành phố… Lãnh đạo thành phố nhiễm COVID-19… Hàng hóa khan hiếm nên người dân cần phải mua về tích trữ…”.
Thông tin đồn nhảm khiến người dân ùn ùn kéo đến siêu thị mua nhu yếu phẩm về tích trữ. |
Cũng trong thời điểm này, trên mạng còn truyền nhau thông tin về việc cấm xe chở hàng hóa từ các tỉnh thành khác vào TP. Hồ Chí Minh và ngược lại sau 4 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Những thông tin thiếu chính xác, sai sư thật này nhanh chóng lan tỏa khiến cho không ít người dân hoang mang và ngay từ sáng sớm ngày 14-7, họ ùn ùn kéo đến vây kín các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua hàng hóa tích trữ.
Cánh tài xế cũng nhốn nháo hỏi nhau, nhiều người hủy đơn chở hàng vì sợ có thể bị đưa đi cách ly tập trung 21 ngày, phải bồi thường cho chủ hàng…
Nhà sản xuất thì ùn ứ hàng hóa, nhà nông lỡ thu hoạch rau, củ, quả đành chất đống chấp nhận cho thối để làm phân, còn đám tư thương biến chất thì mua với giá rẻ như cho mang về bán cao gấp 3-4 lần… Khi một số mặt hàng hóa thiết yếu đã được người dân gom sạch trong vài giờ thì những kẻ cơ hội ấy lại ghi hình tung lên mạng nói rằng thành phố không đáp ứng được nhu cầu của người dân…
Người dân còn chưa kịp hoàn hồn với những thông tin giả trên thì ngay lập tức trên mạng xã hội lại xuất hiện một số thông tin đồn nhảm khác như: thành phố đang nhốt gần 6.000 tiểu thương ở chợ Bình Điền nhưng không được chăm sóc đến nơi đến chốn…
Nguy hiểm hơn là hình ảnh giả hàng loạt thi thể được bọc lại nằm dưới sàn nhà cho là người bệnh COVID-19 tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không cho người thân đến nhận mà chờ xe chuyên dụng chở đi hỏa thiêu, sau đó lấy tro cốt giao lại cho gia đình. Một số người dân khi thấy hình ảnh này thì lập tức hoảng loạn tinh thần, số khác đổ xô đi thu gom các loại bình oxy, máy tạo oxy…
Chiều 19-7, trên mạng xã hội facebook lại lan truyền hình ảnh một người đàn ông trung niên tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Kèm theo bức ảnh là bình luận thể hiện người đàn ông này tự thiêu là do bức xúc vì cách chống dịch của thành phố được thực hiện một cách phiến diện, áp đặt, không hiệu quả... Ngay khi thông tin này phát tán, một số cư dân mạng đã hùa theo với những lời bình luận có nội dung kích động…
Đối tượng Phan Hữu Diệp Anh tại cơ quan Công an. |
Trao đổi với chúng tôi, một trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, đối với những kênh thông tin độc hại có máy chủ đặt ở nước ngoài, trinh sát đã chủ động phát hiện, ngăn chặn không cho phát tán. Đối với những trường hợp là đối tượng cực đoan ở trong nước thì thực hiện biện pháp răn đe, gọi hỏi và cùng với Công an các đơn vị địa phương xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng chục đối tượng, có trường hợp đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Như với vụ việc bịa đặt về người đàn ông tự thiêu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an TP Thủ Đức và Công an quận Bình Thạnh lập tức vào cuộc và xác định chủ tài khoản facebook tên thật là Phan Hữu Diệp Anh, sinh năm 1961, ngụ phường 19, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi củng cố hồ sơ, ngày 21-7-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam trong thời hạn 2 tháng đối với Phan Hữu Diệp Anh để điều tra về hành vi tung tin xuyên tạc, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trước đó vào tháng 5-2021, Phan Hữu Diệp Anh đã đăng ký tài khoản facebook với tên Phan Anh Hữu thông qua số điện thoại di động của mình. Ngay sau đó, thông qua tài khoản này, Diệp Anh đã phát tán lên mạng xã hội và thông qua những hội, nhóm trên mạng thường xuyên đăng tải những bài viết, hình ảnh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền.
Tại cơ quan Công an, Phan Hữu Diệp Anh đã khai nhận do có tư tưởng cực đoan nên vào ngày 19-7-2021, khi biết một người đàn ông bị bệnh tâm thần tự đốt cháy quần áo, bản thân đã lấy hình ảnh đó mang về cắt ghép, viết thêm thông tin bình luận mang nội dung xuyên tạc, nhằm kích động, chống phá công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Đảng và chính quyền. Ngoài ra, trước đó còn đăng nhiều thông tin sai sự thật khác để gây hoang mang cho người dân...
Người dân cần cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc
Để người dân hiểu rõ sự thật về những thông tin trên, tại cuộc họp báo về các vấn đề chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh tối 19-7, ông Lê Văn Minh - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, từ ngày 1-7 đến nay, trên địa bàn thành phố có tới hơn 280 tin bài của các kênh thường xuyên công kích, nói xấu thành phố. Ngoài ra, còn rất nhiều thông tin khác nhưng cơ quan chức năng chưa kịp tổng hợp. Các kênh phản động thường xuyên đưa thông tin xuyên tạc về dịch COVID-19 khiến cộng đồng hoang mang là Nhật ký yêu nước, Việt Tân, Đài Châu Á tự do…
Hình ảnh cắt ghép từ báo nước ngoài rồi tung lên mạng nói sai sự thật rằng bệnh nhân COVID-19 chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Đây là những kênh thường xuyên nói xấu, bôi nhọ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta, kể cả các giải pháp chống dịch của TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Minh khuyến cáo mọi người dân cần bình tĩnh tiếp nhận nguồn thông tin chính thống, tránh thông tin xấu, độc. Ngoài ra, ông cũng khẳng định các thông tin xuyên tạc, sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác chống dịch đều đang được thống kê đầy đủ, Công an thành phố sẽ phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông ngăn chặn, lập hồ sơ, xác định tính chất và mức độ của từng vụ việc để xử lý triệt để.
Về hình ảnh xác chết của bệnh nhân COVID-19, theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (VAFC), hình ảnh lan truyền trên các trang mạng xã hội gán cho là xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh là thông tin giả mạo. Thực chất hình ảnh đang lan truyền tràn lan trên mạng xã hội là ở nước ngoài được một số tài khoản facebook sao chép lại rồi tung tin hòng gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch COVID-19…
Vấn đề vận chuyển hàng hóa ra vào TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, thông tin "Các chốt kiểm soát ngăn không cho phương tiện chở hàng hóa vào TP. Hồ Chí Minh sau 4 ngày áp dụng Chỉ thị 16" lan truyền trên mạng xã hội là hoàn toàn bịa đặt. Đến nay, việc kiểm soát phương tiện từ địa phương khác vào TP. Hồ Chí Minh vẫn tuân theo Chỉ thị 16.
Không chỉ vậy, thông tin Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đang quá tải trong việc cấp giấy nhận diện phương tiện khi tạo luồng xanh cho xe tải chở hàng hóa cũng hoàn toàn không chính xác. Hiện tại Sở GTVT đã ứng dụng công nghệ trong việc cấp giấy nhận diện phương tiện.
Đơn vị đầu mối chỉ cần nộp hồ sơ qua mạng và được xem xét, trả kết quả qua mạng ngay khi hoàn tất thủ tục. Nếu hồ sơ đúng định dạng và gửi đúng trình tự (doanh nghiệp gửi qua cơ quan đầu mối để kiểm soát mục đích, lộ trình lưu thông cũng như đúng đối tượng ưu tiên) thì giải quyết trong vòng 2 tiếng. Mỗi ngày có thể cấp tối đa 10.000 giấy, tất cả hồ sơ đều giải quyết trong ngày.
Liên quan đến tin đồn TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa toàn thành phố từ 0h00 ngày 15-7-2021, thông qua các cơ quan báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng nêu rõ: Văn bản 2337/UBND-TH về dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công văn này chỉ điều chỉnh một số nội dung liên quan đến các doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất.
Các hoạt động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố vẫn được điều chỉnh theo công văn số 2279/UBND-VX ngày 8-7 về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16. Ngoài ra, ông Đức cũng khẳng định, hiện nay lãnh đạo thành phố đang tập trung chủ động, quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.
Đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đề nghị người dân bình tĩnh, không chia sẻ những thông tin không chính thống, không lan truyền các thông tin không kiểm chứng khiến dư luận hoang mang.
Các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh đang tập trung xử lý những đối tượng cố tình tung tin gây rối, xuyên tạc, kích động, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân và công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố. Ngoài trường hợp đã khởi tố Phan Hữu Diệp Anh, qua xác minh, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và sẽ xử lý nghiêm nhiều tài khoản mạng xã hội khác tại TP. Hồ Chí Minh có hành vi cố tình đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, vu khống vô căn cứ đối với tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đức Cương