Kỳ nghỉ hè đến, trong mắt tất cả trẻ em, đó là khoảng thời gian tuyệt vời mà chúng có thể được tự do vui chơi thoải mái sau cả năm học dài đằng đẵng. Tuy nhiên đối với những đứa trẻ ở các trường đào tạo thể thao thiếu nhi tại Trung Quốc - những “lò huấn luyện nhà vô địch Olympic trong tương lai”, bất kể thời tiết nóng hay lạnh, dù là hè hay đông thì chúng vẫn phải miệt mài luyện tập.
Rất nhiều nước mắt đã đổ xuống, bao nhiêu đau đớn trong quá trình khổ luyện, đánh đổi cả tuổi thơ hồn nhiên tự tại, những đứa trẻ này chỉ có một mục tiêu duy nhất: Trở thành nhà vô địch tại Thế vận hội Olympic.
Kể từ khi nền thể thao tại Trung Quốc phát triển, hệ thống huy chương chỉ tập trung vào thứ hạng cao nhất - huy chương vàng - và chưa bao giờ thay đổi. Trường thể thao giống như một dây chuyền sản xuất các vận động viên, một hệ thống đào tạo nhà vô địch cho thể thao Trung Quốc hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Trong nhiều năm qua, hệ thống đào tạo tài năng thể thao tại Trung Quốc đã khiến cho dư luận khắp thế giới tròn mắt kinh ngạc, thậm chí là chỉ trích bởi sự khắc nghiệt với những bài tập huấn luyện tàn nhẫn như tra tấn.
Để có cơ hội tỏa sáng ở Thế vận hội Olympic, tất cả vận động viên trước đó đều đã trải qua hàng chục năm miệt mài rèn luyện ở các trường thể thao ngay từ khi con nhỏ. Những đứa trẻ được bố mẹ gửi vào lò đào tạo thể thao đều ở độ tuổi từ 4-14, có em được đích thân huấn luyện viên tuyển chọn từ các trường mẫu giáo.
Người ngoài có thể không hiểu tại sao nhiều gia đình có thể bắt ép con mình phải trải qua một tuổi thơ khổ cực đến như vậy. Nhưng đối với họ, được vào đội chuyên nghiệp và trở thành nhà vô địch thế giới là cách tốt nhất để thay đổi vận mệnh của các con và của cả gia đình họ.
Tuổi thơ khắc nghiệt
Từ những năm 1960, Bộ quản lý thể thao Trung Quốc đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo cho việc luyện tập phải “bắt đầu từ khó khăn, nghiêm khắc, sát thực tế và có cường độ cao”. Mô hình huấn luyện này cho đến ngày nay vẫn tiếp tục được áp dụng tại các “lò luyện huy chương vàng”. Có thể nói rằng thành công lớn của Trung Quốc trong thể thao có liên quan mật thiết đến loại hình đào tạo này.
Bước chân vào các trường đào tạo thể thao, các em nhỏ bắt buộc phải xa gia đình, vào ở tại ký túc xá để rèn luyện và học tập trong một môi trường khép kín. Lịch trình hàng ngày tại các trường thể thao thường bắt đầu từ rất sớm, khoảng 5-6 giờ sáng.
Xen kẽ giữa các tiết học văn hóa thì thời gian còn lại sẽ dành hết cho việc luyện tập, hầu như không có thời gian cho sự giải trí. Một ngày luyện tập của các em chỉ kết thúc sau 6 giờ tối và tất cả phải lên giường ngủ lúc 9 giờ 30.
Ngoài các bài tập chuyên môn, các học sinh bắt buộc phải luyện tập những kỹ năng thể dục cơ bản như ép dẻo, giãn cơ sâu, trồng cây chuối… Giãn cơ sâu là một trong số các bài tập mang lại nhiều đau đớn, đặc biệt là khi mới bắt đầu tập luyện, đứa trẻ nào cũng sẽ đau đến mức la hét, khóc thét lên. Tuy nhiên, quá trình luyện tập sẽ không bao giờ dừng lại vì nước mắt.
Mọi đứa trẻ đều phải trải qua quá trình này và ngày nào chúng cũng phải tự bứt phá giới hạn của bản thân hết lần này đến lần khác. Nhiều học sinh phải mất hơn 10 năm mới có thể thành thạo một số động tác trên tấm bạt lò xo.
Trong thể thao không có chỗ cho sự lười biếng. Không gian khổ chắc chắn sẽ không có thành tựu. Bọn trẻ trong phòng tập bóng bàn mồ hôi rơi lã chã ướt cả mặt sàn; những đứa trẻ học bơi phải bơi bốn năm cây số mỗi ngày; những trẻ luyện môn thể dục vừa khóc vừa kéo dây chằng, tập trồng cây chuối; bàn tay của các em học cử tạ nổi lên những vết chai sần...
Những đứa trẻ lẽ ra phải có một tuổi thơ vui vẻ, hồn nhiên, nhưng chúng đều chuyên tâm đến phòng tập, đổi lại là những nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần. Lúc này, bọn trẻ vẫn chưa hiểu được vinh quang, tất cả những gì chúng trải qua chỉ là đau thương. Kỳ vọng của cha mẹ là động lực duy nhất để trẻ tiếp tục việc tập luyện.
Con đường gian nan để chạm đến ước mơ “nhà vô địch”
Để trở thành nhà vô địch thế giới, những đứa trẻ phải trải qua nhiều năm kiên trì tập luyện không ngừng nghỉ. Hàng năm, chúng sẽ tham gia vào các kỳ đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh và thành phố. Chỉ những người có thành tích xuất sắc nhất mới được chọn vào đội tuyển của tỉnh, thành phố và trải qua kỳ tuyển chọn gắt gao mới có được tấm vé vào đội tuyển quốc gia.
Những đứa trẻ mỗi ngày đều phải đối mặt với sự cạnh tranh và đào thải khốc liệt nhưng chỉ một số ít trong đó mới thật sự nổi bật.
"Nếu bạn muốn tồn tại, bạn phải làm việc chăm chỉ hơn những người khác gấp trăm lần!”.
Mỗi năm, có hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ được gửi vào trường đào tạo thể thao thế nhưng những đứa trẻ có khả năng tỏa sáng, chạm được đến ước mơ “nhà vô địch” là con số rất nhỏ.
Ngày càng có nhiều trẻ em bị loại khỏi đường đua đến chức vô địch vì nhiều lý do khác nhau. Có em sau thời gian luyện tập, cảm thấy sức lực và tài năng của mình không đủ tiêu chuẩn. Có em không thể chịu đựng nổi áp lực và sự khắc nghiệt trong môi trường thể thao. Cũng có em vì gặp phải tai nạn bị chấn thương buộc phải chấm dứt đột ngột ước mơ của mình.
Dù là vì nguyên nhân nào, những đứa trẻ này cũng đã bỏ lỡ quãng thời gian học tập tốt nhất, kiến thức văn hóa thiếu hụt. Sau khi không thể chạm tay đến chức vô địch, các em buộc lòng phải chọn học ở các trường trung học cơ sở hoặc trường dạy nghề. Cuộc sống quay trở về bình thường hơn bao giờ hết nhưng các em cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trên con đường hòa nhập lại với cuộc sống của một "người bình thường".
Thể thao có thể thúc đẩy các kỹ năng xã hội của thanh thiếu niên và dạy trẻ cách cư xử với những người xung quanh. Thể thao dạy cho trẻ em biết ý nghĩa của việc cạnh tranh và nỗ lực cố gắng, dạy trẻ làm thế nào để đối mặt với thất bại, làm thế nào để tận hưởng chiến thắng bằng sự khiêm tốn và duyên dáng.
Thể thao có thể nâng cao ý thức đồng đội của trẻ em, cách làm việc cùng nhau vì mục tiêu chung. Thể thao có thể rèn luyện lòng tự trọng và lối sống lành mạnh. Chỉ hy vọng rằng chúng ta có thể được nhìn thấy nhiều hơn những nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt của những đứa trẻ này thay vì những giọt nước mắt đớn đau.
(Tổng hợp)
Song Kỳ
Pháp luật và bạn đọc