Chủ nhà hàng ở Pháp kiểm tra giấy thông hành y tế của khách hàng hôm 23-7 - Ảnh: AFP
Các quốc gia châu Âu thường cấp giấy thông hành y tế cho ba đối tượng gồm người đã tiêm vắc xin, người mắc COVID-19 đã bình phục và người có kết quả xét nghiệm âm tính.
Giấy thông hành y tế ở mỗi nước có tên gọi khác nhau và phạm vi áp dụng cũng khác nhau.
Ý áp dụng từ ngày 6-8
Từ ngày 6-8, công dân Ý từ 12 tuổi trở lên bắt buộc phải có giấy chứng nhận xanh (certificazione verde) mới được vào một số địa điểm có không gian kín như quán bar, nhà hàng; những nơi tập trung đông người như hồ bơi, nhà thi đấu, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát.
Người dân muốn tham dự các sự kiện thể thao, buổi biểu diễn, hội chợ và hội nghị cũng cần có giấy này.
Pháp thông qua dự luật mới
Từ ngày 21-7, Pháp đã bắt buộc phải có giấy thông hành y tế mới vào các địa điểm giải trí và văn hóa tập trung trên 50 người như phòng hòa nhạc, nhà thi đấu, rạp chiếu phim.
Đầu tháng 8-2021, giấy này sẽ được áp dụng theo dự luật y tế mới được Quốc hội Pháp thông qua vào đêm 25-7 (giờ địa phương).
Hội đồng Hiến pháp đang xem xét dự luật và sẽ công bố kết quả vào ngày 5-8.
Dự luật mới quy định như sau:
* Mở rộng áp dụng giấy thông hành y tế trên các phương tiện giao thông công cộng liên vùng; các địa điểm giải trí như hội chợ, triển lãm, hội thảo, nhà hàng, quán cà phê, quán bar; các cơ sở như bệnh viện, viện dưỡng lão, các cơ sở y tế - xã hội.
* Tỉnh trưởng có quyền áp dụng giấy thông hành y tế tại các trung tâm thương mại nhưng phải bảo đảm quyền tiếp cận của người dân đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Trên phương tiện giao thông, người quản lý vi phạm sẽ bị phạt 1.500 euro hoặc một năm tù và 9.000 euro tiền phạt nếu bị lập biên bản quá ba lần trong 30 ngày.
Đối với các địa điểm cần giấy thông hành y tế, người quản lý vi phạm sẽ bị nhắc nhở, sau đó địa điểm đó bị đóng cửa tối đa 7 ngày.
Nếu vi phạm quá ba lần trong 45 ngày, người quản lý bị phạt một năm tù và 9.000 euro.
Người sử dụng giấy gian lận sẽ bị phạt 135 euro. Nếu hành vi này xảy ra quá ba lần trong 30 ngày, người vi phạm sẽ bị phạt 6 tháng tù và 3.750 euro.
Đan Mạch và Hy Lạp phạt nặng
Đan Mạch là nước châu Âu đầu tiên sử dụng giấy thông hành y tế (Coronapas).
Từ tháng 4-2021, người từ 15 tuổi phải có Coronapas khi vào nhà hàng, quán bar, bảo tàng, thư viện và thậm chí đến tiệm làm tóc.
Chủ cơ sở vi phạm bị phạt 400 euro cho lần đầu và 6.000 euro nếu tái phạm. Cá nhân vi phạm bị phạt 330 euro.
Từ cuối tháng 7, Đan Mạch đã bỏ quy định đối với bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát. Từ đầu tháng 9-2021, nhà hàng và quán bar không đòi giấy này nữa.
Ở Hy Lạp, người không có giấy thông hành y tế vào nhà hàng và địa điểm vui chơi giải trí sẽ bị phạt 500 euro. Chủ cơ sở bị phạt 5.000 euro.
Vì sao sử dụng giấy thông hành y tế?
Có nhiều lý do để hầu hết các nước châu Âu áp dụng giấy thông hành y tế.
Một là đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Các nước châu Âu phải tìm cách chống dịch mà không áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vốn tốn kém về xã hội và kinh tế.
Hai là giấy thông hành y tế đã được các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp dụng từ ngày 1-7 trên toàn EU để tránh hạn chế đi lại và cách ly trong nội khối.
Sau đó, các nước châu Âu đã nghĩ đến phiên bản giấy thông hành y tế dùng trong nước.
Giấy thông hành y tế thúc đẩy người dân tích cực đi tiêm vắc xin. Song giấy này chưa phải là giải pháp hoàn hảo vì kết quả xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị hạn chế.
Chính vì vậy ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ tháng 9-2021 phải có giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin COVID-19 đầy đủ mới được vào các địa điểm đông người.
Hà Lan và Bồ Đào Nha áp dụng giấy thông hành y tế rất hạn chế. Hà Lan chỉ yêu cầu giấy thông hành y tế (Coronacheck) trong các sự kiện lớn khó giữ giãn cách như thi đấu bóng đá. Bồ Đào Nha chỉ yêu cầu có giấy khi vào nhà hàng và cơ sở lưu trú trong vùng có dịch.
Đức và Tây Ban Nha: các vùng tùy tình hình quyết định áp dụng giấy thông hành y tế.
Luxembourg: các quán bar và nhà hàng có quyền đòi giấy thông hành y tế (CovidCheck).
Áo: Các cơ sở như nhà hàng, khách sạn, nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động, tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện, phòng tập thể dục, bể bơi có thể làm xét nghiệm nhanh cho người không có giấy chứng nhận y tế.
TTO - Châu Âu trở thành châu lục đầu tiên trên thế giới ghi nhận 50 triệu ca COVID-19 vào ngày 19-7, theo thống kê của Hãng tin Reuters. Biến thể Delta đang góp phần làm số ca mắc mới theo ngày tăng kỷ lục ở khu vực này.
Xem thêm: mth.70384027092701202-et-y-hnah-gnoht-yaig-iax-coub-ua-uahc/nv.ertiout