Khoảng 7 năm sau khi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây đình đám (2014), thị trường game Việt Nam mới có dịp chứng kiến thêm một tựa game tạo sóng dư luận là Axie Infinity. Chí ít là về cách kiếm tiền, phương thức tạo ra tiền và giá trị doanh nghiệp…
Flappy Bird độc hành kiếm tiền
Năm 2014, Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông đạt ngưỡng hơn 50 triệu lượt tải trên App Store của Apple dành cho thiết bị chạy hệ điều hành iOS và chiếm giữ ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng này. Số tiền kiếm được của nhà phát triển game này khi ấy, được cho là khoảng 1 tỉ đồng mỗi ngày vào lúc đỉnh điểm.
Cho đến bây giờ, 7 năm qua đi nhưng chưa có con số chính xác về thu nhập của tác giả Flappy Bird từ game này. Và cũng chưa có nguồn thu nào khác lớn hơn là nguồn thu chính là từ quảng cáo trong game. Tuy nhiên, đã có những phỏng đoán, ước tính cho rằng, tác giả Flappy Bird có thể đã thu về ít nhất 3 triệu USD.
Còn về số tiền nộp thuế của Nguyễn Hà Đông được cho rằng do tác giả game này tự kê khai, là khoảng 1,4 tỉ đồng vào năm 2015.
Việc làm game, kiếm tiền của tác giả Flappy Bird vào thời điểm đó tạo được tiếng vang còn bởi tính độc hành cá nhân trong câu chuyện. Hà Đông hầu như tự phát triển game, đưa lên các kho ứng dụng cho người dùng tải về chơi, với cách kiếm tiền cũng theo phương thức truyền thống là thu từ quảng cáo trong game.
Một điểm đáng lưu ý nữa, Flappy Bird chỉ thịnh hành trong một khoảng thời gian tính theo tháng. Bởi sau đó, tác giả có một quãng thời gian đóng game. Khi Flappy Bird trở lại, game này cũng không còn độ nóng thu hút được nhiều người chơi như trước đó.
Axie Infinity tạo ra một cộng đồng kiếm tiền
Khác biệt rất cơ bản của Axie Infinity của nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung (Trung Nguyễn) chính là, nguồn thu chính không phải từ quảng cáo, mà từ phí giao dịch mua bán từ cộng đồng người chơi, từ việc phát hành mã token tiện ích của game này là AXS coin…
Vì game Axie Infinity được phát triển theo công nghệ NFT (Non-Fungible Tokens) chạy trên nền tảng công nghệ blockchain, chính vì thế bản thân việc chơi game có thể kiếm được token. Hoặc từ việc nhân giống các thú cưng theo công nghệ NFT không có phiên bản thứ hai để trao đổi, mua bán thu về đồng tiền ảo AXS coin…
Người chơi trước hết cũng phải đầu tư một khoản tiền để mua 3 thú cưng (Axie), có thể nhập vai vừa là người chơi vừa là nhà đầu tư hay đầu cơ, với mục tiêu cuối cùng là thu về đồng tiền ảo AXS.
Dữ liệu từ sàn Coinmarketcap.com cho thấy, trong khoảng 20 ngày qua đồng AXS tăng giá phi mã. Tính tới thời điểm chiều ngày 28.7, giá đồng tiền kỹ thuật số này vượt ngưỡng 46 USD mỗi AXS. Theo đó, vốn hóa của Axie Infinity đạt hơn 2,8 tỉ USD. Trong 24 giờ qua, có hơn 110 triệu AXS được giao dịch với tổng giá trị trên 5 tỉ USD.
Như vậy có thể thấy, thanh khoản của đồng tiền ảo AXS là khá lớn, nhờ đó việc hiện thực hóa chuyển đổi từ đồng tiền ảo AXS sang USD là hoàn toàn khả thi.
Theo anh Vũ Thanh Long – Giám đốc ứng dụng y tế eDoctor, người từng có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực game di động, bản chất của Axie Infinity là một dự án tiền ảo hơn là một dự án game. Từ game Axie Infinity công ty sở hữu nó là Sky Mavis phát hành ra đồng tiền ảo AXS. Khi càng có nhiều người quan tâm đến game Axie Infinity và trao đổi, mua bán các vật phẩm trong game thì sẽ giúp đẩy giá trị đồng tiền ảo này lên cao.
Nhóm sáng lập Axie Infinity tại Sky Mavis đang nắm giữ 21% lượng tiền ảo AXS. Tuy nhiên, 21% được xem là mức đỉnh, chỉ có được khi game đạt đến mức độ ổn định nhất.
Hiện Axie Infinity có khoảng 600.000 người chơi mỗi ngày và khoảng 1 triệu người chơi mỗi tháng. Cộng đồng này vừa là những game thủ đồng thời cũng là những nhà đầu tư và đầu cơ.
Xem thêm: odl.586539-noh-neit-nob-meik-oan-emag-drib-yppalf-av-ytinifni-eixa/et-hnik/nv.gnodoal