Trung Quốc siết kinh doanh giáo dục
Nguyễn Vũ
(KTSG Online) - Sau những biện pháp mạnh tay siết lại các doanh nghiệp công nghệ từ tập đoàn Alibaba đến Didi Global, nay Trung Quốc mở rộng sự kiểm soát gắt gao sang các doanh nghiệp trong lãnh vực giáo dục có sử dụng công nghệ.
Cụ thể, các doanh nghiệp tổ chức dạy trực tuyến không được huy động vốn đầu tư từ nước ngoài, kể cả từ doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký ở nước ngoài và không được niêm yết trên các sàn chứng khoán.
Lý do chính thức được Bộ Giáo dục nước này đưa ra là tình trạng các hoạt động giáo dục bên ngoài nhà trường đã bị đồng tiền chi phối nặng nề, làm hủy hoại bản chất giáo dục như một phúc lợi xã hội.
Trung Quốc đang chấn chỉnh tình trạng các hoạt động giáo dục bên ngoài nhà trường đã bị đồng tiền chi phối nặng nề, làm hủy hoại bản chất giáo dục như một phúc lợi xã hội. Ảnh minh họa: Reuters |
Trước đây các hình thức dạy học trực tuyến bên ngoài hệ thống nhà trường là lãnh vực thu hút đầu tư với tốc độ chưa từng thấy. Các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, ByteDance và các quỹ đầu tư nước ngoài như Tiger Global Management, Temasek Holdings và SoftBank đã rót vào đây nhiều tỷ đô-la. Doanh thu của ngành này dự kiến lên đến 76 tỷ đô-la vào năm 2024. Các nền tảng giáo dục trực tuyến thu nhận được 103 tỷ nhân dân tệ tiền đầu tư chỉ tính riêng trong năm 2020.
Các ràng buộc khác bao gồm lệnh cấm dạy các chương trình nước ngoài, hạn chế nhập khẩu sách giáo khoa nước ngoài, cấm thuê giáo viên nước ngoài bên ngoài Trung Quốc để dạy trực tuyến cho học sinh trong nước.
Các doanh nghiệp và tổ chức muốn hoạt động trong lãnh vực dạy chương trình chính khóa phải đăng ký làm doanh nghiệp phi lợi nhuận, không được phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Doanh nghiệp nào đã niêm yết thì nay không được phát hành thêm cổ phiếu, huy động thêm vốn. Doanh nghiệp nước ngoài không được mua cổ phần các doanh nghiệp hoạt động giáo dục. Cấm dạy trực tuyến hay dạy trước chương trình cho học sinh dưới 6 tuổi. Ở đây phải ghi nhận là các quy định mới lại khuyến khích các chương trình dạy thêm nhưng tập trung vào các kỹ năng mang tính sáng tạo như dạy đàn, dạy vẽ.
Hoạt động dạy thêm từ lâu đã trở thành một ngành ăn nên làm ra, thậm chí còn sản sinh ra nhiều tỷ phú. Trung Quốc có kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc, gọi là “Cao khảo” (Gaokao) rất khốc liệt, kết quả thi sẽ quyết định ai được vào học trường nào. Ví dụ trong kỳ thi năm 2020, chỉ 1,9% trong 11 triệu thí sinh dự thi đủ điểm lọt vào các trường đại học hàng đầu như Bắc Kinh, Phục Đán, Thanh Hoa…
Việc chuẩn bị cho kỳ thi này kéo dài từ nhiều năm trước, có phụ huynh chuẩn bị cho con ngay từ tiểu học vì thế không lạ gì các trường lớp, chương trình dạy thêm, kiểu như luyện thi Cao khảo nở rộ. Xu hướng ứng dụng công nghệ để chuyển sang dạy học trực tuyến đã có từ trước và đại dịch Covid-19 càng làm xu hướng này thêm vững chắc. Theo Bloomberg, thị trường dạy thêm này sẽ tăng gần gấp đôi từ 619 tỷ nhân dân tệ năm 2019 lên 1.170 tỷ nhân dân tệ (tương đương 183 tỷ đô-la) vào năm 2023.
Ở Trung Quốc, đã từng xảy ra nhiều hiện tượng tìm cách làm giàu dựa trên các xu hướng mới nổi như cho vay ngang hàng, mở bán trực tuyến, thành lập đủ loại startup thu hút tiền đầu tư rồi nhanh chóng sụp đổ… Giới quản lý lo ngại các hoạt động dạy thêm cũng sẽ rơi vào tình huống này vì vấn nạn thương mại hóa giáo dục là rất rõ. Phụ huynh lo cho con, nhất là khi họ chỉ có 1 đứa con duy nhất, không tiếc tiền đầu tư vào giáo dục và sẵn sàng nghe theo các lời quảng cáo đường mật. Các tập đoàn tài chính thấy tiềm năng thị trường quá lớn cũng sẵn sàng nhảy vào. Các quy định mới là nhằm tháo gỡ quả bom nổ chậm cho ngành giáo dục, có tiềm năng gây đổ vỡ quy mô lớn.
Một lý do nữa là chính sách khuyến khích sinh thêm con thứ hai, thứ ba mới ban hành của Trung Quốc. Hạn chế chi tiêu của gia đình vào giáo dục, giảm nhẹ gánh nặng tài chính giáo dục được kỳ vọng sẽ là động lực cho các hộ gia đình sinh thêm con.
Khi chính sách mới được công bố, các doanh nghiệp giáo dục lớn ở Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố sẽ tuân thủ quy định mới, các kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng được ngưng lại. Giá cổ phiếu các công ty chuyên dạy thêm sụt giảm không phanh.
Chẳng hạn, cổ phiếu của Gaotu Techedu, một doanh nghiệp chuyên tổ chức dạy thêm trực tuyến sụt đến 70%. Người sáng lập Geotu và hiện là chủ tịch kiêm tổng giám đốc, Larry Chen, từng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc mất trắng 15 tỷ đô-la kể từ đầu năm đến nay.
Theo chỉ số Bloomberg Billionnaire, tài sản của ông ta giờ chỉ còn 235 triệu đô-la. Tài sản của CEO tập đoàn TAL Education, Zhang Bangxin sụt mất 2,8 tỷ đô-la, còn 1,1 tỷ sau khi giá cổ phiếu bay hơi đến 80%. Chủ tịch New Oriental Education & Technology, Yu Minhong mất danh hiệu tỷ phú vì tài sản giảm đến 868 triệu đô-la, còn lại 396 triệu sau khi giá cổ phiếu rớt đến 69%.
Xem thêm: lmth.cud-oaig-hnaod-hnik-teis-couq-gnurt/649813/nv.semitnogiaseht.www