- Quan hệ Mỹ-Trung vẫn bất định sau cuộc gặp cấp cao mới
- Quan hệ Mỹ - Trung: Khó khăn và bất định chờ đón
Rào chắn an toàn
Bà Wendy Sherman lên đường công du Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai cường quốc - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trở nên cực kỳ căng thẳng. Bà cũng chính là quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới Trung Quốc, kể từ sau chuyến thăm của Đặc phái viên về các vấn đề khí hậu và môi trường vào tháng 4 vừa qua.
Trong lịch trình được phác thảo, bà Wendy Sherman sẽ hội đàm với Thứ trưởng phụ trách quan hệ song phương Tạ Phong, sau đó gặp gỡ Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hé lộ rằng bà Sherman sẽ thảo luận về những lĩnh vực mà Mỹ quan ngại, liên quan đến các hành động của Trung Quốc, cũng như các lĩnh vực mà hai bên có lợi ích tương đồng. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những cuộc thảo luận này là một phần trong nỗ lực không ngừng của Mỹ, nhằm tổ chức các cuộc trao đổi thẳng thắn với quan chức Trung Quốc để thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ, cũng như quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm”.
Khoảng cách về quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn rất khó san lấp. |
Trách nhiệm, hàm chứa trong hai từ đó là vô vàn những xung đột và mâu thuẫn lợi ích giữa hai đại cường, từ kinh tế tới địa chính trị, đến cả một vấn đề đang nóng bỏng và gay gắt trở lại, khi phía Mỹ đề cập tới chuyện mở lại điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 từ phòng nghiên cứu ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019, song phía Trung Quốc bác bỏ.
Về câu chuyện này, ngày 22-7, hai nước đã có những cuộc “đấu khẩu” gay gắt. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Tăng Ích Tân khẳng định: Trung Quốc sẽ không tuân thủ kế hoạch đề ra trước đó của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về giai đoạn 2 nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, bởi lý do: Nghiên cứu này có nội dung ngôn từ không tôn trọng khoa học. Vì thế, Trung Quốc phản đối hành động chính trị hóa kế hoạch nghiên cứu nguồn gốc virus.
Dĩ nhiên, ở chiều ngược lại, Washington bày tỏ sự thất vọng bởi phản ứng từ Bắc Kinh. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, WHO cần xem xét các giả thuyết, trong đó có khả năng virus nguy hiểm này đã lọt ra khỏi một phòng thí nghiệm Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng đang theo đuổi cuộc điều tra riêng về vấn đề này.
Ngoài ra, theo các quan chức Mỹ cấp cao, tại Thiên Tân, bà Sherman sẽ đề cập đến việc dù Mỹ sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc, hai bên vẫn cần có một “sân chơi bình đẳng và an toàn” để không dẫn đến xung đột trong mối quan hệ. Có thể hiểu là Nhà Trắng đã nhận thức rất rõ, rằng nếu để căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát, sẽ chỉ dẫn đến kết cục “lưỡng bại câu thương”, trong thế giới toàn cầu hóa hiện tại.
Tuy nhiên, cũng chính Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á của Mỹ - Wendy Cutler nhận định: Không nên quá kỳ vọng vào cuộc gặp này. Tuy vậy, ông cũng vẫn cho rằng đây là bước quan trọng đầu tiên trong việc khôi phục các kênh liên lạc cấp cao giữa hai bên và mở khả năng có thể diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề cuộc họp G20 sắp tới.
Trong khi đó, Washington đã cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ về rủi ro khi hoạt động tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc). Không chỉ vậy, ngày 19-7, Mỹ đã dẫn đầu một nhóm đồng minh, bao gồm cả nước Anh, lên tiếng cáo buộc Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng. Theo đó, họ cho rằng các nhân tố được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc cũng tham gia vào vụ tấn công phần mềm máy chủ email Microsoft Exchange hồi đầu năm nay.
Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài từ thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. |
Bắc Kinh gọi những cáo buộc này là “một chiến dịch bôi nhọ” và cũng đáp trả bằng những lệnh trừng phạt áp đặt lên một số công dân Mỹ. Đồng thời, ngay trước chuyến công du của Thứ trưởng Wendy Sherman, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ “nói rõ với phía Mỹ về nguyên tắc và lập trường của Trung Quốc đối với sự phát triển của quan hệ song phương Mỹ - Trung, cũng như thái độ kiên quyết bảo vệ an ninh chủ quyền và lợi ích phát triển của mình”.
Nhiệm vụ của bà Wendy Sherman, về việc phác thảo một “rào chắn an toàn” cho mối quan hệ này, vì thế, đã được dự báo trước là sẽ cực kỳ khó khăn.
Quan hệ nước lớn kiểu mới
Quan hệ nước lớn kiểu mới chính xác là điều mà Trung Quốc đòi hỏi từ Mỹ, suốt những năm vừa qua. Nó không thay đổi gì ở Thiên Tân, bởi ngay khi chuẩn bị đón bà Wendy Sherman, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã “kẻ sẵn một đường vạch”: Bắc Kinh không chấp nhận Washington ở vị thế “cửa trên” trong mối quan hệ song phương, theo Reuters.
Vậy “Quan hệ cường quốc kiểu mới” mà Trung Quốc đưa ra là gì? Tháng 9-2015, nhân chuyến công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Mỹ hội kiến Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama, khái niệm này đã được đưa ra một cách rõ ràng, rằng Mỹ và Trung Quốc “cần phải hợp tác để xây dựng một mô hình quan hệ nước lớn mới, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi, vì lợi ích của người dân Trung Quốc, Mỹ và các dân tộc khác trên thế giới”.
Tuy nhiên, chính giới Mỹ nhanh chóng bổ sung thêm vào nội hàm của khái niệm này, rằng đó chính là việc “vừa kiểm soát sự cạnh tranh không thể tránh khỏi, vừa thúc đẩy hợp tác sâu hơn trong các vấn đề hai nước có chung lợi ích”. Sự trỗi dậy của Trung Quốc nhanh chóng được nhận diện là một nguy cơ đối với vị thế của nước Mỹ và “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” cũng bị gắn với ẩn ý là một kiểu đòi hỏi chia sẻ quyền lực với những màu sắc thách thức.
Bà Wendy Sherman đến Trung Quốc với sứ mệnh khó khăn. |
6 năm đã trôi qua. Nước Mỹ đã trải qua 2 đời tổng thống. Song, tại Thiên Tân, đây vẫn là sự đối lập về quan điểm mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không hề che giấu.
Nếu bà Wendy Sherman làm rõ những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề của cả hai bên thì phía Trung Quốc cũng nhất định “không lùi một bước”. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc hội đàm, Bắc Kinh đã đưa 2 danh sách cho phía Washington, gồm những hành động Mỹ cần chấm dứt và các vụ việc mà Trung Quốc quan ngại.
Theo danh sách những hành động Mỹ cần chấm dứt, Bắc Kinh yêu cầu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ và các cơ quan của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc yêu cầu Mỹ loại bỏ các hạn chế đối với các Viện Khổng Tử và các công ty Trung Quốc; hủy bỏ các phán quyết xác định truyền thông Trung Quốc là tác nhân nước ngoài và bỏ yêu cầu dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu từ Canada. Trong khi đó, danh sách các vụ việc mà Bắc Kinh quan ngại đề cập loạt vấn đề như đối xử bất công với công dân Trung Quốc, quấy rối đại sứ quán và lãnh sự quán nước này tại Mỹ...
Ngoài ra, ông Tạ Phong cho biết, phía Trung Quốc cũng “bày tỏ mạnh mẽ sự không hài lòng đối với những nhận xét và hành động sai trái của Mỹ” liên quan đến các cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 hay các vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong... mà Bắc Kinh xem là “chuyện nội bộ” của họ.
Nói cách khác, như một đánh giá từ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc ngày 22-7, những “hàng rào an toàn” mà Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập sẽ là một “hàng rào đơn phương” đối với Mỹ nhưng là một “nhà tù” được bao quanh bởi hàng rào dây thép đối với Trung Quốc. Nhận xét này, từ nhiều khía cạnh, bộc lộ nỗi lo lắng cũng như sự tức giận của Bắc Kinh đối với nguy cơ bị bao vây bởi Mỹ và các đồng minh, ở Tây Thái Bình Dương và tại các “trọng địa” khác.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là chướng ngại vật đối với tham vọng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. |
Bởi vậy, sau khi chuyến công du của bà Wendy Sherman kết thúc, dự báo của ông Yu Jie, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Chatham House có trụ sở tại London (Anh) đã được thực tế chứng minh: “Rất khó để thấy triển vọng cải thiện quan hệ song phương giữa hai phía”.
Tuy vậy, ít nhất thì việc “ngồi xuống nói chuyện với nhau” giữa lúc tình hình đang mỗi lúc một căng thẳng cũng lại có thể xem là thắng lợi của cả hai phía, khi cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đã có cơ hội chứng tỏ thiện chí cũng như nỗ lực đối thoại với nhau trước thế giới. Và, đó dù sao cũng là nền tảng cho những bước đi kế tiếp, trong niềm hy vọng là lợi ích sẽ có tiếng nói quyết định. Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài trong những năm qua đã chứng minh rằng: Xung đột và mâu thuẫn, thay vì hợp tác để cùng phát triển, sẽ chẳng có lợi cho bất kỳ ai.
Mây LinhXem thêm: /974256-od-hnar-nal-tom-naV/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna