- 24 giờ phá vụ án mua bán người dưới 16 tuổi
- Biến tướng thủ đoạn mua bán người
- Nâng cao năng lực điều tra tội phạm mua bán người
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả rất nổi bật, lực lượng Công an đã chủ động nắm tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm mua bán người…
PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, xin đồng chí đánh giá, khái quát chung về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc: Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu. Theo Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trên thế giới có gần 250 triệu người di cư trái phép và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của hàng trăm đường dây mua bán người trên thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Kông được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp.
Ở Việt Nam, theo thống kê từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm mua bán người của lực lượng Công an cho thấy: Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...; nạn nhân chủ yếu bị bán sang các nước láng giềng của Việt Nam (chiếm khoảng 86%), còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không hoặc đường biển.
Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, sự mất cảnh giác của nạn nhân để lừa bán phụ nữ ra nước ngoài; lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai hoặc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; thông qua các trang mạng xã hội để làm quen, giả yêu, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài; lợi dụng hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán nạn nhân; dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với mức chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, sau đó bán để cưỡng bức lao động; lợi dụng quy định về y tế, nhân đạo để mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc. |
PV: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm mua bán người, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an trong thời gian qua đã tập trung thực hiện các chủ trương, giải pháp gì để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc: Xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Nổi bật là:
- Bộ Công an với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 và 3 Đề án về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”, “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người”, “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”, góp phần quan trọng kiềm chế, kéo giảm trên 40% số vụ mua bán người so với giai đoạn 2011 - 2015.
- Công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đặc biệt chú trọng và tập trung đẩy mạnh thực hiện. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 250 nghìn cuộc truyền thông tại cộng đồng với hơn 15 triệu lượt người tham gia; trên 4.000 lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép về công tác phòng, chống mua bán người; duy trì trên 1.200 câu lạc bộ cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho nhân dân; nhắn tin tuyên truyền về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” đến 120 triệu thuê bao di động và phát sóng gần 5.000 phóng sự, tin bài về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở…
- Lực lượng Công an đã chủ động nắm tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm mua bán người; tổ chức tiếp nhận, giải quyết hàng nghìn tố giác, tin báo tội phạm và rà dựng các đường dây, ổ nhóm, đối tượng nổi lên có liên quan đến hoạt động mua bán người để tổ chức đấu tranh, ngăn chặn. Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát và quản lý xuất, nhập cảnh qua biên giới; triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia (trong các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người từ năm 2016 đến năm 2020, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá gần 350 vụ, bắt gần 550 đối tượng mua bán người).
- Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Điển hình như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đường dây nóng 111); Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho hàng trăm phụ nữ tại mô hình “Ngôi nhà bình yên” và hàng nghìn nạn nhân khác đã được chính quyền, đoàn thể ở địa phương hỗ trợ dịch vụ liên quan, như: Trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh…
- Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả rất nổi bật. Việt Nam đã tham gia ký kết, thực hiện hiệu quả nhiều hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống mua bán người như: Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan; Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh; thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết giữa Việt Nam - Malaysia, Myanmar; tham gia tích cực, chủ động hiệu quả tiến trình Bali, Kế hoạch hành động Bohoh về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2017 - 2020. Ngoài ra, Công an, Biên phòng của các tỉnh có biên giới đất liền đã phối hợp với lực lượng chức năng phía Trung Quốc, Lào, Campuchia duy trì giao ban thường xuyên, thiết lập đường dây nóng, chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội mua bán người và giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Cục Cảnh sát hình sự bàn giao trẻ sơ sinh được giải cứu trong một vụ án mua bán người cho cán bộ “Ngôi nhà bình yên” chăm sóc. |
PV: Bộ Công an với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), xin đồng chí Thứ trưởng cho biết một số giải pháp cơ bản, trọng tâm trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả trong công tác này?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm mua bán người, để tập trung đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đồng thời thực hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một chủ trương mang tính chiến lược, hoạch định đồng bộ các giải pháp, huy động tổng lực sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vào công tác phòng, chống mua bán người.
Bộ Công an với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP và Thường trực thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai nghiêm túc Quyết định số 193/QĐ-TTg, ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, tập trung vào các nhiệm vụ công tác lớn trọng tâm sau đây:
(1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền; trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị; vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
(2) Tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội ở địa bàn cơ sở; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt các hoạt động tuyên truyền, truyền thông hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” hàng năm theo Quyết định số 793/QĐ-TTg, ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
(3) Tăng cường công tác thông tin về tình hình, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc.
(4) Chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn, kiềm chế hoạt động tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan. Tăng cường thực hiện các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó có tội phạm mua bán người, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Truy tố, xét xử kịp thời các vụ án mua bán người, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, vừa trừng trị, răn đe, vừa tuyên truyền giáo dục phòng ngừa chung.
(5) Tổ chức chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại 8 địa phương trọng điểm, gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh và Cần Thơ; từ đó đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung trên phạm vi toàn quốc.
(6) Xây dựng, hoàn thiện, triển khai văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Tổ chức tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.
(7) Thực hiện hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, nhất là với các nước có chung đường biên giới, các nước có đông công dân Việt Nam cư trú. Tổ chức sơ kết, tổng kết, ký kết các hiệp định, điều ước quốc tế, biên bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống mua bán người. Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1957/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước của ASEAN về phòng, chống mua bán người.
(8) Xây dựng tiêu chí thống kê về mua bán người, bảo đảm chặt chẽ, tương thích, kết nối từ Trung ương đến cơ sở và tập bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác liên quan đến phòng, chống mua bán người.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!
Xem thêm: /294256-mat-gnort-gnud-ion-8-iov-iougn-nab-aum-gnohc-gnohp-hnam-yaD/DNAC-LL-gnod-taoH/nv.moc.dnac