Tham gia các khóa học online để bớt thời gian nhàm chán khi ở nhà giãn cách - Ảnh: Leveagreedu
Để tìm cách tĩnh tâm lại và tiếp tục vượt qua thời gian khó khăn, hãy sống an yên bằng những hành động thiết thực.
Tạo cho mình bận rộn hợp lý và có hoạt động có ích cho gia đình, xã hội
Phân bổ thời gian làm việc online hợp lý hơn. Nếu không làm việc online thì tham gia những khóa học online để hoàn thiện hoặc trau dồi chuyên môn với những kiến mới về cách chăm sóc sức khỏe, cách phòng tránh COVID-19, nấu ăn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ… hay làm những sưu tầm về những chủ đề nghiên cứu nhỏ.
Xem xét lại những gì mà mình đã làm được và những gì chưa làm được hoặc có thể làm tốt hơn và đề ra 1 mục tiêu trong thời gian tới để hoàn thiện mục tiêu và bản thân mình.
Hướng dẫn các thành viên nhí học bài, đọc sách, học hát, đàn và các kỹ năng sống, hoặc làm những công việc giúp các bé trang bị thêm kỹ năng tự lập (tự nấu các món ăn đơn giản, tự giặt giũ quần áo, tự lên thời khóa biểu…) tùy theo sở trường.
Chia sẻ công việc nhà, sắp xếp, trang trí lại nhà cửa, làm không gian sống gọn gàng, sạch sẽ, xanh hơn. Cùng nhau dành nhiều thời gian cho hoạt động gia đình hơn, chăm sóc lẫn nhau. Tổ chức những trò chơi tập thể, lành mạnh tạo tình thương mến thương, hiểu nhau hơn cho các thành viên gia đình.
Tập thể dục trong khuôn viên gia đình (đá cầu, đánh cầu, yoga, thiền…) để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.
Tham gia các hoạt động thiện nguyện trong khu vực đang sinh sống nếu có điều kiện, nhưng phải đảm bảo 5K và an toàn cho chính mình, gia đình mình.
Nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân một cách hợp lý (tránh thức khuya và dậy muộn, tranh thủ nghỉ trưa…). Ngủ nhiều hơn 1 hay 2 tiếng đôi khi cũng là cách chống dịch trong lúc này, nhưng cũng không nên quá nuông chiều bản thân.
Tăng gia sản xuất tự cung tự cấp như trồng rau sạch…
Đăng ký làm tình nguyện viên là một cách vượt qua mùa dịch hữu ích và ý nghĩa - Ảnh minh họa: CHÂU TUẤN
Giảm phụ thuộc vào thiết bị điện tử
Cập nhật tin tức là cần thiết, nhưng tránh sa đà và dán mắt vào điện thoại, tivi hay những tin tiêu cực, giúp tâm tĩnh và sống chậm hơn. Bớt nhìn ngó xung quanh (nhà ai bị F0, F1, ai được chích vắc xin...), tránh so sánh bản thân hay điều kiện giữa gia đình mình với những gia đình khác, vì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và có những tác động tiêu cực.
Giữ mối quan hệ tốt đẹp với người thân, bạn bè và tạo sự tương hỗ về tinh thần và vật chất.
Hãy biết ơn và cho đi
Biết ơn các tình nguyện viên, đội ngũ bác sĩ y tế bằng cách thực hiện nghiêm túc chỉ thị "Ở nhà là yêu nước" để góp phần giảm áp lực cho cộng đồng và giữ an toàn cho gia đình.
Đóng góp tùy theo khả năng ngân quỹ hay góp sức cho các hoạt động thiết thực mà mình có thể tin cậy và có ý nghĩa đối với cộng đồng hay người thân.
Ăn uống lành mạnh (đầy đủ chất dinh dưỡng, đúng giờ), tiết kiệm, tránh lãng phí thức ăn hay ăn uống xa xỉ. Sử dụng điện, nước sinh hoạt… tiết kiệm. Kết nối với các kênh (bạn bè, trưởng khu phố, các kênh bán hàng online, các mối mua bán hàng quen) để đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm không bị thiếu hụt.
Tạo không khí vui vẻ trong gia đình, tránh gắt gỏng vô cớ, gây căng thẳng không cần thiết. Nhịn và nhẫn là các yếu tố rất cần thiết để tạo sự thoải mái cho các thành viên.
Đối với các gia đình đang có khó khăn về tài chính hoặc thiếu điều kiện về phương diện nào đó, có thể kết nối sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân và láng giềng hay các tổ chức hỗ trợ thiện nguyện, các nhà hảo tâm để chia sẻ bớt gánh nặng phần nào và sống tiếp với sự hy vọng, niềm tin rằng sẽ vượt qua bằng chính đôi tay của mình.
Chúc mọi người an toàn và giữ gìn sức khỏe.
TTO - Giãn cách ở nhà có con trẻ thật sự là áp lực lớn đối với tôi và bất kỳ phụ huynh nào. Vậy nên hòa đồng và hiểu hơn các con là cách nhanh nhất để gạt bỏ những áp lực kia.
Xem thêm: mth.68313851192701202-hcid-aum-auig-neihn-na-gnos/nv.ertiout