Thứ trưởng Mỹ Sherman (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Ryabkov tại Geneva ngày 28-7 - Ảnh: REUTERS
"Việc chúng tôi muốn Anh tham gia có liên quan đặc biệt đến quyết định gần đây của London. Họ muốn tăng 40% kho vũ khí hạt nhân, nâng số đầu đạn hạt nhân lên 260", đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov giải thích về yêu cầu của Nga.
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga đã khởi động "đàm phán ổn định chiến lược" hôm 28-7 tại Geneva (Thụy Sĩ). Nội dung chủ yếu xoay quanh việc giới hạn kho vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc hiện sở hữu tới 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov là hai quan chức cấp cao tham gia đàm phán. Một số chi tiết đã được báo giới hé lộ hôm 29-7.
Theo ông Ryabkov, phía Mỹ yêu cầu có thêm Trung Quốc trong các cuộc đàm phán song phương trong tương lai. Trả lời báo chí Nga về vấn đề này, Thứ trưởng Ryabkov cho biết khả năng Bắc Kinh tham gia là không thể.
"Tôi đánh giá xác suất Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán ổn định chiến lược là rất nhỏ, nếu không muốn nói là không có. Theo quan điểm của Trung Quốc, Nga và Mỹ là hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất. Do đó họ tin việc nêu vấn đề Bắc Kinh phải tham gia đàm phán là không hợp lý theo bất kỳ công thức nào", ông Ryabkov nói.
Giới quan sát cũng tin rằng sẽ không có chuyện Bắc Kinh "tự nguyện chịu sự ràng buộc" trong bối cảnh tiềm lực kinh tế của nước này đang tăng lên nhanh chóng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc biện minh việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân (nếu có) là để tự vệ trước Mỹ.
Cùng với Anh và Pháp, Trung Quốc được công nhận là quốc gia hạt nhân do phát triển và thử vũ khí hạt nhân trước khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân được ký kết.
Theo Hãng tin Reuters, Mỹ đã thông báo cho các đồng minh NATO kết quả cuộc gặp trong ngày 29-7. Các quan chức Nga và Mỹ cũng đồng ý gặp lại vào tháng 9 tới sau các cuộc tham vấn không chính thức.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét quyết định gặp lại cho thấy các bên hiểu rằng cần phải giải quyết những tranh chấp về kiểm soát vũ khí.
Cả hai đều lo lắng phía còn lại đang phát triển các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ.
Theo Reuters, cả Mỹ và Nga đều lo lắng về hình thái chiến tranh hạt nhân mới, lo ngại vũ khí hạt nhân có thể được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo, các vụ tấn công mạng hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân,...
Ông Andrey Baklitskiy thuộc Đại học Quan hệ quốc tế quốc gia Nga (MGIMO) nhận định cuộc gặp tại Geneva chỉ là sự khởi đầu của Nga với tân chính quyền Mỹ. "Đây chỉ là màn chào hỏi, gặp gỡ để tìm hiểu một số quan điểm cơ bản", ông Baklitskiy bình luận.
TTO - Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời "một số người ở Trung Quốc" cho rằng hàng trăm hầm phóng tên lửa bị báo New York Times phát hiện qua ảnh vệ tinh chỉ là các hố chôn trụ điện gió. Chính quyền Trung Quốc vẫn im lặng trước thông tin.
Xem thêm: mth.35982440103701202-couq-gnurt-meht-oc-iod-ym-agn-iov-nahn-tah-ihk-uv-nahp-mad/nv.ertiout