Đó là bức tranh chân thật nhất về thị trường BĐS lúc này, nhất là tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi giới gần như "kiệt sức" khi phải gồng gánh các chi phí, trả lương để giữ chân nhân sự, trong khi doanh nghiệp không có nguồn thu từ dự án.
Nhiều doanh nghiệp thổ lộ, thời điểm này bi đát chưa từng có, chưa từng trải qua. Do đó, hiện nay các doanh nghiệp BĐS đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết.
Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021", bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, hầu như đến thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản Tp.HCM đã phải đóng cửa văn phòng, doanh nghiệp ở tất cả các nhóm đều khó khăn.
Các chủ đầu tư thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư. Còn với các doanh nghiệp môi giới, họ hiện cũng đang không có nguồn thu và họ đang phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Khi thị trường khó khăn, đối tượng này sẽ rút lui và rời khỏi thị trường tương đối nhiều.
Bà Hương chia sẻ, doanh nghiệp có dự án ở thành phố mới Thủ Đức. Trước khi có ảnh hưởng dịch bệnh, đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung cầu. Khi dịch bệnh ập tới, khó khăn nhân đôi.
Năm 2020 chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt nên thị trường có sức bật nhất định. Năm 2020 cũng có một số đợt điều chỉnh giá, sang đầu năm 2021 có đợt dịch ngắn nhưng kiểm soát tốt nên chúng ta đã chứng kiến một đợt sốt đất nền hồi tháng 3, tháng 4.
Tuy nhiên, đến đợt dịch thứ 2 này, dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến. Trong Nam, tình hình dịch đang nóng, là yếu tố bất khả kháng tác động, buộc tất cả các doanh nghiệp bất động sản gần như dừng hoạt động.
"Dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài, và nhiều khả năng đến quý 4 doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Thị trường bất động sản theo đó sẽ có cơ hội phục hồi. Hiện chúng tôi đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị cho quý 4 tới khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Hương chia sẻ.
Thị trường BĐS thực sự đang gặp khó khăn vì dịch, nhiều doanh nghiệp BĐS đang cố gắng "gồng" bộ máy
Theo CEO Đại Phúc Land, trong ngành bất động sản có một số nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm các doanh nghiệp chủ đầu tư, là các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư lớn, có các nguồn vay đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn. Khi dịch bệnh tới sẽ tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp này. Nhóm 2 là các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60-70%, là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, họ có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là khó khăn.
"Vào quý 4/2021, nếu lực lượng này không hoạt động được, bởi các đơn vị vừa rồi đã quá khó khăn, mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa", Bà Hương khẳng định.
Do đó, hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết.
Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý 4 năm nay.
Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động, họ cần chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên, họ cũng rất cần đến vốn vay để trả lương. Tôi cũng không hiểu tại sao trong năm 2020, việc những doanh nghiệp tiếp thu được vốn vay để trả lương rất thấp, không hiểu do vấn đề nguồn lực hay gì. Gói cho vay ưu đãi này cũng cần xem xét.
Theo bà Hương, thị trường bất động sản vốn đã tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn. Về mặt pháp lý, VCCI cũng đưa ra nhiều văn bản tháo gỡ. Vào năm 2021, cũng đã có một số điểm sáng về pháp lý, chúng tôi có thêm sự tin tưởng và chờ đợi vào sự thực thi của những thay đổi mới này, chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực thời gian. Về sửa đổi luật đất đai, cũng cần phải được xem xét để thực thi tốt hơn.
"Với cương vị doanh nghiệp bất động sản, nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy ngoài gói tín dụng cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý 4 năm nay cũng như năm 2022", bà Hương chia sẻ.
Cũng chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group cho hay, 6 tháng đầu 2021 có nhiều biến động, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây khi có Chỉ thị 16 thì lượng giao dịch bị ảnh hưởng.
"Tôi cho rằng, từ giờ tới cuối năm, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch thị trường vì với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó, khi khách hàng muốn đến thăm dự án, rồi phải tiến hành các thủ tục… Trong thời gian giãn cách này, khách hàng sẽ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc. Theo đó, nếu tháng 8 chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh thì cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt, nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng ra, thị trường bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới". ông Lộc khẳng định.
Về lĩnh vực bất động sản công nghiệp, vị này cho hay, doanh nghiệp đang làm đô thị đi liền với các khu công nghiệp. Trong thời gian trước, lĩnh vực này được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch công nghiệp sang Việt Nam nhưng thời gian gần đây đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến cho sự phát triển của khu đô thị gắn liền với khu công nghiệp ngưng trệ, lượng giao dịch sụt giảm, có địa phương giảm tới 40%.
"Một trong những phân khúc tiềm năng mà hiện đang gặp nhiều khó khăn chính là bất động sản khu công nghiệp. Rất mong Nhà nước hỗ trợ để các khu công nghiệp khống chế được dịch Covid-19. Chỉ khi các khu công nghiệp phát triển thì đô thị đi liền mới phát triển", ông Lộc chia sẻ.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho hay, cái quan trọng nhất giờ là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ dễ tiếp cận hơn về lương và các chính sách với người lao động. Vừa qua các chương trình làm việc của Quốc hội, tôi được biết rất nhiều khuôn khổ pháp lý sẽ được đẩy nhanh để sửa đổi. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay quốc hội cũng đang trao quyền cho Chính phủ. Với những điều này, không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà doanh nghiệp nói chung sẽ có khả năng tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng tốt hơn.
Về lĩnh vực BĐS công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút chỉnh sửa Nghị định về khu công nghiệp, nhìn trong chính sách đối với khu công nghiệp. Chỉnh sửa lần này sẽ khá toàn diện, nhất là về vai trò của các chủ đầu tư, về quy hoạch tại các địa phương và khu công nghiệp gắn liền với khu đô cũng như liên quan đến phân cấp giữa trung ương, địa phương. Nếu mà Nghị định này được thông qua sẽ là điểm sáng thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài có chất lượng.
Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế