VNLife, công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay vừa thông báo rằng họ đã huy động được hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group. Ngoài ra, cũng có sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại GIC và SoftBank Vision Fund 1.
Với khoản đầu tư này, VNLife đã đảm bảo vị thế là kỳ lân công nghệ lớn thứ hai của Việt Nam.
Vào năm 2019, VNLife được cho là đã nhận 300 triệu USD từ Vision Fund của Softbank và quỹ nhà nước GIC của Singapore. Tuy nhiên, công ty này không chính thức công bố vòng huy động vốn vào thời điểm đó.
VNLife dự định sử dụng các nguồn vốn mới để tận dụng hơn nữa các cơ hội thị trường rộng lớn trong bối cảnh việc số hóa đang ngày một phát triển ở Việt Nam.
VNLife được đồng sáng lập vào năm 2007 bởi Trần Trí Mạnh và Mai Thanh Bình, người từng là Giám đốc điều hành của Vietnam Esports (nay thuộc sở hữu của Sea Group), một trong những công ty game lớn nhất cả nước.
Trụ cột của VNLife là VNPay, đơn vị vận hành ứng dụng di động của 22 ngân hàng trong nước, bao gồm các nhà băng hàng đầu như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Các ứng dụng ngân hàng cho phép hơn 15 triệu người dùng hàng tháng chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền vào điện thoại di động, đặt vé xe buýt và thậm chí mua sắm hàng tạp hóa.
Công ty cũng điều hành VNPay-QR, một mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt có thể tương tác phục vụ 22 triệu người dùng và hơn 150.000 người bán. Các công ty con khác của VNLife bao gồm VNTravel và một bộ phận bán lẻ mới nhằm giúp các doanh nghiệp số hóa các dịch vụ của mình.
Báo cáo 2020 của Google, Temasek và Bain Company về nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đã công nhận VNLife là kỳ lân công nghệ thứ hai của Việt Nam sau VNG.
Tờ Techinasia nhận định với nguồn vốn mới, VNPay đã vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong ngành thanh toán kỹ thuật số về nguồn vốn bảo đảm. Mặc dù bản thân VNPay không hoạt động giống như ví điện tử, nhưng VNPay-QR vẫn đang cạnh tranh người dùng và người bán với các ví kỹ thuật số như MoMo hay Moca.
Đối thủ cạnh tranh của VNPay là MoMo cũng đã huy động vốn vòng Series D vào đầu năm nay và đã thu về tổng cộng khoảng 232,7 triệu USD theo dữ liệu của Tech in Asia. Ngoài ra, MoMo gần đây đã mua lại một công ty khởi nghiệp AI để tận dụng tốt hơn dữ liệu của 25 triệu người dùng đã đăng ký.
Ước tính khoảng 70% dân số Việt Nam vẫn còn hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Điều này có nghĩa là cánh cửa vẫn rộng mở cho những công ty trong ngành để đa dạng hóa các dịch vụ tài chính của họ và kiếm tiền từ dữ liệu có được một cách hiệu quả.
Nguồn: Techinasia
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị