Bốn hiệp hội doanh nghiệp (DN) gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam và Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM vừa có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành cho biết đã tìm được nguồn cung cấp vắc-xin từ một tập đoàn của UAE và kiến nghị được hỗ trợ về thủ tục để nhanh chóng nhập về, tiêm miễn phí cho người lao động.
90% doanh nghiệp tạm dừng sản xuất
Theo đại diện 4 hiệp hội, trong khoảng 3 tháng gần đây, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và trở nên nghiêm trọng tại các nhà máy, KCN, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Bộ Y tế cùng chính quyền địa phương đã yêu cầu các DN thực hiện "3 tại chỗ". Do các DN của 4 ngành hàng có quy mô lớn, sử dụng hàng ngàn đến vài chục ngàn lao động nên không đủ khả năng triển khai.
Trên 90% DN đều phải chấp nhận dừng sản xuất, ảnh hưởng đến phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Về dài hạn, việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của các nhãn hàng, các nhà nhập khẩu về thị trường Việt Nam.
Vì vậy, 4 hiệp hội ngành hàng xuất khẩu kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất (trong cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8) và nhiều nhất lượng vắc-xin để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, KCN của 4 ngành hàng xuất khẩu. Điều này góp phần vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.
Đáng lưu ý, 4 hiệp hội đề nghị Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội được mua vắc-xin từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động. Đề xuất này được đưa ra sau khi các hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vắc-xin từ một tập đoàn của UAE. Theo văn bản này, ngày 13-7, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cũng đã đến làm việc với tập đoàn này để xác minh về khả năng cung ứng vắc-xin của tập đoàn.
"Dù Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cho DN triển khai thủ tục nhập khẩu vắc-xin nhưng do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục gây ảnh hưởng đến tiến độ nhập khẩu vắc-xin" - văn bản của 4 hiệp hội nêu rõ.
Để giải quyết vướng mắc này, các hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với tập đoàn của UAE hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do DN của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty CP Phong Phú trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất
Chiều 30-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết để có nguồn vắc-xin trên, cả 4 hiệp hội đã "đeo đuổi" suốt 2 tháng vì chỉ có nguồn vắc-xin mới giải quyết tốt nhất hoạt động sản xuất, giúp người lao động yên tâm làm việc để duy trì sản xuất.
Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM hiện có khoảng 400-500 DN. Các DN đăng ký số lượng lao động cần tiêm vắc-xin là khoảng 50.000 người. Hiệp hội đang tích cực liên hệ với cơ quan chức năng cũng như DN dịch vụ để khi có nguồn vắc-xin sẽ tiến hành tiêm ngừa nhanh chóng cho lực lượng lao động.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cho biết một số DN da giày tại TP HCM rất mừng khi hay tin Hiệp hội Da giày đang phối hợp với 3 hiệp hội lớn khác muốn cùng Chính phủ tìm kiếm nguồn vắc-xin. Bởi DN nào cũng đang rất cần và sẵn sàng bỏ tiền ra mua vắc-xin để tiêm cho đội ngũ của mình, có như vậy mới có thể yên tâm hoạt động trong bối cảnh mới.
"Ngành da giày sử dụng rất nhiều lao động, đặc thù sản xuất trên dây chuyền và công nhân ngồi gần nhau nên trong điều kiện hiện tại, DN gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giãn cách trong sản xuất. Đến hơn 80% DN không thể thực hiện "3 tại chỗ", phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động và càng mong sớm có vắc-xin hơn" - ông Khánh bày tỏ.
Cách đây hơn 1 tháng, các DN da giày đã một lần mừng hụt vì được hiệp hội thông báo đăng ký danh sách mua vắc-xin nhưng đã không triển khai được.
Năm 2021, tổng cầu cho các mặt hàng của 4 ngành tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đã tăng mạnh so với năm ngoái, nhiều DN nhận được đơn hàng đến cuối năm, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu và đóng góp vào việc gia tăng GDP cho năm nay cũng như các năm tới đang trên đà phát triển rất tốt.
Theo 4 hiệp hội, tổng kim ngạch xuất khẩu của các ngành trên đạt gần 150 tỉ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần nuôi sống trên 8 triệu lao động và có khoảng 12,5 triệu người gián tiếp tham gia chuỗi cung ứng phục vụ các ngành trên. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay của 4 ngành đều có tốc độ tăng trưởng từ 15%-20%.
Nhiều DN, tập đoàn khác cũng đang xúc tiến việc nhập khẩu vắc-xin để sớm có thể tiêm ngừa cho cán bộ, nhân viên.
VinaCapital, tập đoàn quản lý đầu tư nước ngoài đã có mặt ở thị trường Việt Nam trong 18 năm qua, cho biết cũng đã xúc tiến việc nhập khẩu 5-10 triệu liều vắc-xin của Moderna về Việt Nam. Đơn vị này đã làm việc trực tiếp với hãng Moderna và Zuellig Pharma để bảo đảm chất lượng số vắc-xin này, đồng thời thông qua một công ty được phép nhập khẩu do UBND TP HCM chỉ định, dự tính cuối quý IV/2021 hoặc đầu năm 2022 sẽ nhập về Việt Nam.
Theo VinaCapital, số vắc-xin này nhằm phục vụ cho đội ngũ nhân viên, các công ty thành viên, đơn vị nhận đầu tư và đối tác của tập đoàn. Việc nhập khẩu này chủ yếu để phục vụ nhân sự của các DN, qua đó giúp giữ vững hoạt động sản xuất - kinh doanh và góp phần ổn định kinh tế chung, ổn định cuộc sống của người lao động. Điều đặc biệt là trong số vắc-xin nhập về, cứ 5 liều dành cho DN sẽ có 1 liều dành tặng người dân TP HCM.
Giám đốc một DN bất động sản tại TP HCM cũng kiến nghị được nhập vắc-xin để tiêm cho cán bộ, nhân viên. Bản thân họ đã có quan hệ với nước ngoài, có nguồn nhập khẩu. Nếu xét theo diện ưu tiên, TP HCM nên xét ưu tiên tiêm cho lãnh đạo các DN bởi họ phải chịu trách nhiệm quản lý hàng trăm hàng ngàn nhân viên, đóng thuế cho nhà nước cũng như bảo vệ hoạt động của công ty vượt qua đại dịch.
Trong bức thư gửi chính phủ Mỹ mới đây, Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) kêu gọi Tổng thống Joe Biden gửi thêm vắc-xin tới Việt Nam và đề nghị Chính phủ Việt Nam ưu tiên tiêm chủng cho công nhân thuộc ngành may mặc và giày dép. Một loạt nhà máy đã phải đóng cửa vì số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu quần áo và giày dép lớn thứ 2 vào Mỹ sau Trung Quốc.
Asia Nikkei đưa tin AAFA, tổ chức đại diện cho khoảng 1.000 thương hiệu thời trang lớn, đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa thêm công nhân ngành may mặc và quần áo vào danh sách ưu tiên tiêm chủng. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tính đến tháng 5-2021, các lô hàng dệt may từ Việt Nam đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
B.Hạnh
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Bốn hiệp hội cũng kiến nghị được tổ chức cuộc họp đối thoại trực tuyến với Chính phủ và các bộ, ngành cùng những nhãn hàng lớn tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế để cùng bàn giải pháp gỡ khó cho DN trong ngành thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, hiện chỉ còn khoảng 60% DN của hội là vẫn duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, công suất sản xuất chỉ đạt khoảng 30%, cao nhất chỉ 80%; chưa kể gặp quá nhiều khó khăn, nguyên vật liệu đang thiếu hụt do khâu vận chuyển bị ách tắc. Nguyên liệu nhập khẩu không thể nhập về đúng tiến độ do thiếu tàu, một số quốc gia cung cấp nguyên liệu cũng bị đứt gãy do dịch bệnh. Ngay việc vận chuyển nguyên liệu trong nước cũng gặp khó khăn do nhiều địa phương đang giãn cách xã hội.
Xem thêm: mth.8571002203701202-nix-cav-pahn-cut-uht-ort-oh-nac-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln