Theo Tạp chí Tài chính Phương Đông (Hồng Kông, Trung Quốc), chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 44 giờ của CEO Tesla Elon Musk bắt đầu hôm 30/5 khiến nhiều người thích thú nhưng tin tức sau đó giống như một gáo nước lạnh: Tesla sẽ xây dựng một nhà máy ở Mexico.
Thực ra đây không phải là tin mới. Hồi tháng 3, Reuters đưa tin Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo Tesla sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện với tổng số vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD ở miền Bắc nước này.
Ngoài ra, Tesla sẽ sản xuất khoảng 1 triệu xe/năm tại Mexico và bán chúng cho thị trường Mexico và quốc tế. Cho đến nay, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla có năng lực sản xuất lớn nhất thế giới với sản lượng 750.000 xe/năm. Nói cách khác, năng lực sản xuất xe Tesla của Mexico dự kiến sẽ đứng đầu thế giới.
Bên hưởng lợi lớn nhất
Tạp chí Trung Quốc cho rằng, nền kinh tế Mexico sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong thế kỷ 21 nhờ ba sự kiện lớn: Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, đại dịch Covid-19 và Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Ba yếu tố này tạo thành một sự điều chỉnh quy mô lớn của chuỗi cung ứng ở nước Mỹ và thế giới: Ngày càng có nhiều công ty Mỹ chuyển từ "gia công ở xa" sang "gia công ở gần" (hay còn gọi gia công ở nước láng giềng).
Hình thức "gia công ở nước láng giềng" tức chỉ các quốc gia hoặc khu vực lân cận có địa lý, múi giờ và ngôn ngữ tương tự. Từ lâu, các công ty Mỹ đã thực hiện chiến lược "gia công ở xa". Ấn Độ nổi lên như một trong những điểm đến gia công hàng đầu cho các công ty Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và gia công quy trình kinh doanh (BPO). Ấn Độ có nguồn tài năng kỹ thuật khổng lồ, trình độ iếng Anh cao và chi phí lao động tương đối thấp.
Trung Quốc cũng là một trong những điểm đến quan trọng cho hoạt động gia công ở nước ngoài của Mỹ. Với nguồn lao động khổng lồ và cơ sở hạ tầng sản xuất tiên tiến, Trung Quốc có thể cung cấp các dịch vụ gia công khác nhau với chi phí tương đối thấp. Xu hướng này đã thúc đẩy Trung Quốc thành "công xưởng của thế giới".
Trong những năm gần đây, Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách "gia công ở nước láng giềng" và Mexico đã trở thành nước hưởng lợi lớn nhất từ sự điều chỉnh chiến lược này.
Về vấn đề xuất nhập khẩu: Tờ Wall Street Journal ngày 15/6 đưa tin, tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006.
Điều này đồng nghĩa việc, các nước châu Âu, Mexico và các nhà xuất khẩu châu Á khác được hưởng lợi.
Theo dữ liệu từ FourKites, một nền tảng trực quan hóa chuỗi cung ứng có trụ sở tại Chicago, khối lượng vận chuyển từ Mexico đến Mỹ đã tăng 20% so với hai năm trước. Khối lượng hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là vào năm 2022, Mexico trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ và Trung Quốc rơi từ vị trí thứ nhất xuống thứ tư.
Về vấn đề dòng tiền: Vào tháng 11/2022, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Raquel Buenrostro cho biết, hơn 400 công ty có ý định chuyển hoạt động sản xuất từ châu Á sang Mexico. Bà chỉ ra rằng đây là kết quả của USMCA.
Viện Brookings hồi tháng 2/2023 dự đoán chiến lược gia công ở nước láng giềng đã mang đến cho Mexico cơ hội hồi sinh nền tảng công nghiệp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đào tạo công nhân lành nghề, tạo cơ hội việc làm lương cao và đạt được cơ hội vàng đáng kể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo, từ 60 tỷ đến 150 tỷ USD có thể chảy vào Mexico trong thập kỷ tới.
Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc tiết lộ, dòng vốn FDI vào Mexico đã tăng 13% lên 31,6 tỷ USD.
Có thể là Ấn Độ + Trung Quốc
Cụ thể, từ góc độ cơ cấu công nghiệp, Mexico có thể trở thành "Ấn Độ + Trung Quốc".
Trước tiên hãy nhìn vào ngành công nghiệp phần mềm : Nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật của Mexico là lạc hậu và phần mềm không có gì đáng nói. Thật ra không phải vậy.
Vào tháng 4/2022, tạp chí Forbes tiết lộ, Mexico đã mở 120 trường đại học kỹ thuật chuyên nghiệp miễn phí từ năm 2006 đến năm 2012. Mỗi năm, Mexico có hơn 130.000 kỹ sư tốt nghiệp. Với đội ngũ tài năng gồm hơn 700.000 nhà phát triển, Mexico đã trở thành cái nôi nhân tài kỹ thuật phần mềm ở Mỹ Latinh.
Mức lương trung bình hàng tháng cho một kỹ sư phần mềm cấp trung ở Mexico là khoảng 3.156 USD trong khi Mỹ phải trả 10.154 USD cho kỹ sư có cùng trình độ. Điều này có nghĩa là gia công lĩnh vực phát triển phần mềm ở Mexico có thể tiết kiệm khoảng 67% chi phí lao động trong khi vẫn nhận được dịch vụ chất lượng cao.
Mexico và Mỹ ở cùng múi giờ và cả hai quốc gia đều có một số lượng lớn nhân tài thông thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha nên có thể giảm thiểu các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Có thể nói, những ưu điểm mà Ấn Độ có thì Mexico cũng có, thậm chí nhiều hơn.
Tiếp theo là ngành chế tạo sản xuất : Thực tế, cơ sở sản xuất của Mexico không tệ.
Ví dụ, lĩnh vực sản xuất ô tô chiếm 17,6% trong ngành sản xuất của Mexico. Mexico là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai ở Tây bán cầu sau Mỹ, sản xuất 4 triệu xe vào năm 2017, đứng thứ 7 trên thế giới.
Đồng thời, Mexico cũng là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về sản xuất phụ tùng. Hầu hết các thương hiệu ô tô của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có nhà máy lắp ráp ở Mexico. General Motors, Ford và Chrysler đã hoạt động ở Mexico từ những năm 1930 và BMW, Mercedes-Benz, Audi, Volkswagen, Toyota, Nissan và Kia đều đã thành lập nhà máy ở Mexico.
Trong những năm gần đây, một số sự kiện lớn đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Mexico.
Thứ nhất là USMCA . Năm 2018, Mỹ, Mexico và Canada đã ký kết Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ trước đây.
Theo thỏa thuận, 75% linh kiện của ô tô hoặc xe tải được sản xuất ở Mỹ, Mexico hoặc Canada có thể hưởng mức thuế bằng 0, nhằm khuyến khích sản xuất ô tô ở Bắc Mỹ.
Trong vài năm, ngành sản xuất ô tô, cơ khí và thiết bị điện và điện tử của Mexico được hưởng lợi nhiều nhất bởi vì nhiều công ty muốn chọn sản xuất ở Mexico để tránh thuế quan.
Trên thực tế, sau khi ký kết thỏa thuận, lĩnh vực sản xuất ô tô ở Mexico đã bùng nổ đầu tư. Ví dụ, hãng Volkswagen và nhà cung cấp phụ tùng Continental (Đức) đều cam kết đầu tư lớn vào Mexico, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD, một trong những khoản đầu tư lớn nhất được ngành công nghiệp ô tô Mexico công bố chỉ trong một ngày.
Chỉ riêng trong quý IV năm 2022, 62 dự án liên quan đến ô tô từ 17 quốc gia thông báo chính thức sẽ đầu tư vào Mexico, trong đó 28 dự án đầu tư mới, 33 dự án mở rộng và 1 dự án mua lại.
Các công ty Trung Quốc cũng đã bắt đầu phát triển ở Mexico.
Reuters từng đưa tin hãng xe Trung Quốc BYD kỳ vọng sẽ bán được 10.000 xe tại thị trường Mexico vào năm 2023 và 20.000 đến 30.000 xe vào năm 2024. Mục tiêu dài hạn của công ty là đạt khoảng 10% tổng thị phần.
Ngoài ra, các thương hiệu Trung Quốc khác như JAC Motors, BAIC Motor, Chang'an Automobile... cũng đã tìm đến Mexico. Các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ tái tạo chuỗi công nghiệp ô tô Trung Quốc tại Mexico, do đó, sự tăng trưởng của thị trường ô tô Mexico không thể đơn giản được coi là mối đe dọa đối với Trung Quốc mà còn là cơ hội cho các công ty Trung Quốc.
Thứ hai là bùng nổ xe điện : Mexico đã đặt mục tiêu chuyển đổi 50% sản lượng sản xuất ô tô sang xe điện vào năm 2030. Giờ đây, Mexico đang tìm cách giúp ô tô điện có giá cả phải chăng hơn bằng cách cắt giảm thuế bán hàng và thuế nhập khẩu.
"Đạo luật giảm lạm phát" do Mỹ ban hành năm ngoái đã tiếp thêm lửa cho ngành công nghiệp ô tô Mexico. Dự luật cung cấp khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 USD cho xe điện, với điều kiện là việc lắp ráp xe điện và pin, thu mua hoặc xử lý nguyên liệu thô phải được thực hiện ở Bắc Mỹ, bao gồm cả ở Mexico.
Thứ ba là Tesla . Hiệu ứng và sức hút của Tesla đối với các nhà cung cấp luôn là rất lớn. Trong ba năm kể từ khi vào Trung Quốc, nhà máy Thượng Hải của Tesla đã thu hút được hàng trăm nhà cung cấp xuất sắc. Giờ đây, Mexico cũng sẽ nuôi dưỡng một số lượng lớn các nhà cung cấp địa phương, bao gồm cả các nhà cung cấp Trung Quốc.
Tất nhiên, Mexico vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể trở thành Trung Quốc, Ấn Độ bởi nhiều yếu tố như chi phí toàn diện ở Mexico không thấp. Lương công nhân và chi phí thuê đất thấp hơn ở Trung Quốc nhưng chi phí cơ sở hạ tầng, chi phí hậu cần, chi phí thuế, chi phí vận hành và bảo trì thiết bị không hề thấp.
Nhưng nhìn chung, việc Tesla đầu tư vào Mexico có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong chiến lược "gia công ở nước láng giềng" của Mỹ.
Điều này sẽ cung cấp các mô hình và chiến lược mới để quản lý chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ, khuyến khích họ thực hiện các hoạt động sản xuất tương tự ở Mexico hoặc các nước láng giềng khác.
Đồng thời, động thái này sẽ giúp nâng cao vị thế của Mexico như một trung tâm sản xuất ở Mỹ Latinh, tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ, thúc đẩy hội nhập kinh tế Mỹ, Mexico và Canada và thực sự hình thành một khu vực kinh tế mở rộng giữa Mỹ và Mexico.
Ở góc độ toàn cầu, đây cũng là sự kiện mang tính bước ngoặt cho thấy xu thế toàn cầu hóa đã chuyển sang khu vực hóa.