Chiều TP.HCM mưa lất phất, góc ngã tư khu Bình Khánh, Thủ Đức - vốn đã trở thành nơi tập trung các bệnh viện dã chiến - đang tĩnh lặng chợt xôn xao.
Một, hai, rồi ba chiếc xe mang bảng "Chuyên chở F0, F1" từ ngoài vào, đậu trước cửa đón của Bệnh viện dã chiến số 12. Từng nhóm, từng nhóm người lần lượt xuống xe, xếp hàng chờ đợi thủ tục nhập viện. Im lặng căng thẳng.
Trong khi đó bên kia đường, cổng bên hông Bệnh viện dã chiến số 8 chợt mở. Lại từng nhóm, từng nhóm tay xách nách mang balô, túi xách bước ra, rộn tiếng cười nói lao xao, những đôi mắt háo hức trên chiếc khẩu trang.
Một chị vội bấm điện thoại, chạy ra gốc cây lộc vừng, giơ điện thoại quét quanh một vòng quang cảnh: "Mẹ được ra rồi. Sống rồi...". Hai cô gái ở một góc khác bàn nhau đợi người nhà đón hay đi luôn taxi có sẵn. Mấy anh làm nhiệm vụ điều hành taxi liên tục nói vào bộ đàm gọi xe đón khách về Bình Thạnh, về Hóc Môn...
Ô kìa, đây chính là một phần nhịp sống quen thuộc của Sài Gòn tưởng như đã lâu lắm rồi không gặp lại.
Hai bên lề đường chỉ cách nhau vài chục mét, giữa những người nhập viện và ra viện là cả một trời những nỗ lực của bao người. Là những bước chân ướt mồ hôi của các tình nguyện viên vòng ngoài, từ lúc đến tới lúc đi, phút nào cũng thấy họ tất tả với những thùng hàng, với hàng trăm loại việc không tên.
Là những tình nguyện viên vòng trong, mồ hôi chảy thành dòng, ướt đẫm bộ đồ bảo hộ. Là những y bác sĩ, mỗi ca trực đều phải căng thẳng theo dõi hàng trăm bệnh nhân, sẵn lòng làm cả công việc của điều dưỡng, y tá, tư vấn tâm lý để giúp bệnh nhân qua cơn khó thở.
Là hàng triệu người đang đóng góp nhân lực, vật lực để đổi thành máy thở, thành khẩu trang, thành từng bữa cơm, chai nước phục vụ bệnh nhân và lực lượng tuyến đầu...
Taxi đến rồi. Các cô gái ríu rít lên xe. Mấy mẹ con người kéo vali, người ôm túi xách lên xe. Có người đã yên vị, lại hạ kính cửa sổ, mắt rưng rưng ngoái nhìn, đưa điện thoại chụp hình tòa nhà đã làm bệnh viện cho mình những ngày qua. Có người rối rít vẫy tay chào các bác sĩ, tình nguyện viên...
Bệnh nhân xuất viện. Với nhiều người đây là một đoạn đời đáng nhớ. Với một số người khác, đây là bước ngoặt sinh tử. Ra về với nụ cười chưa bao giờ vui thế, dù cuộc sống ở nhà vẫn chưa trở lại bình thường nhưng mà "chỉ cần được về nhà thì không mong gì hơn", như lời một người vừa bước vội lên xe vừa buông lại.
Các y bác sĩ vẫn ở lại. Các tình nguyện viên vẫn ở lại. Cuộc sống sôi động của thành phố đang dừng lại ở một số mặt, một số góc, một số lĩnh vực, nhưng ở những mặt khác, góc khác, lại đang nảy nở đến vô cùng.
ATM gạo nay đã có thêm ATM oxy. Chương trình quyên góp mua máy thở nay đã có thêm "tiệm tạp hóa tình yêu" để mọi người có thể mua - bán những kỷ vật quý giá của mình, đổi thành hơi thở sự sống cho người khác.
Từ những bếp ăn nấu cơm từ thiện nay đã có thêm những nhà trọ miễn phí cho người cơ nhỡ, khách sạn miễn phí cho y bác sĩ ở lại với bệnh viện...
Tất cả là để cho mỗi chiều, ở một góc bệnh viện, một phần nặng nề căng thẳng của nạn dịch sẽ tạm tan đi, những bệnh nhân được xuất viện xôn xao, ríu rít quay về với cuộc đời, đầy vui mừng và tràn ơn sâu.
TTO - Sáng nay 31-7, Bộ Y tế cho biết cả nước thêm 4.060 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 2.503 ca. Ngày 30-7 đã có trên 3.700 bệnh nhân TP.HCM được xuất viện. Đến thời điểm này, TP.HCM đã điều trị khỏi và cho ra viện tổng số trên 33.700 bệnh nhân.
Xem thêm: mth.62532737013701202-neiv-taux-iougn-auc-iouc-un/nv.ertiout