Đó là nội dung từ báo cáo của Sở Quy hoạch và Kiến trúc về việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2025.
Hầu hết đồ án quy hoạch phân khu chưa xác định quỹ đất cho nhà ở xã hội
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, qua rà soát quá trình triển khai thực hiện nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2021, đa số các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TP được duyệt chưa xác định vị trí, quy mô, diện tích quỹ đất bố trí nhà ở xã hội hoặc chưa được cập nhật các dự án nhà ở xã hội.
Nhưng khi muốn đề xuất bổ sung diện tích đất nhà ở xã hội vào quy hoạch phân khu, các địa phương lại gặp vướng mắc về dự báo nhu cầu và xác định quỹ đất bố trí. Bởi nhiều địa phương có mật độ dân cư cao, đặc biệt các quận nội thành, gây khó khăn khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị.
Từ đó kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng, tăng chi phí giải phóng mặt bằng… khiến các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút nhà đầu tư. Trong khi nguồn vốn đầu tư hàng năm từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đủ để thực hiện các dự án.
Mặc khác, sở cũng nhìn nhận theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, việc bắt các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị loại 3 trở lên phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (tỉ lệ 20% theo quy định của Chính phủ) chưa phù hợp với thực tiễn.
Lý do, yêu cầu này không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà cũng như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở của địa phương. Dễ dẫn đến tình trạng quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai và làm tăng giá nhà ở.
Còn với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ (ví dụ dưới 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I), việc dành quỹ đất 20% cũng không khả thi do không đủ diện tích tối thiểu để đầu tư 1 khối nhà ở xã hội độc lập.
Không chỉ vậy, nếu người thu nhập thấp vào ở các căn hộ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại cao cấp, chỉ tính riêng chi phí quản lý vận hành tòa nhà, các dịch vụ thiết yếu khác, cũng không phù hợp với thu nhập của họ.
Cho chủ đầu tư hoán đổi diện tích xây nhà ở xã hội vào 1 dự án
Từ những điểm khó trên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật liên quan đến quy hoạch phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
Đặc biệt, khi các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch mới đã có, sở đề xuất bộ quy định đặc thù cho TP.HCM là đô thị đặc biệt có những yêu cầu quản lý khác với nhiều tỉnh, thành có mật độ đô thị hóa chưa cao.
Nghiên cứu cho phép một chủ đầu tư có nhiều dự án đang được triển khai trên cùng một quận/huyện được hoán đổi diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội tập trung vào một dự án. Việc này sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư kinh doanh, khai thác và vận hành được thuận lợi hoặc có các quy định, giải pháp khác về cơ chế chính sách thu hút đầu tư.
Sở cũng đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch.
Qua đó giúp nâng cao vai trò của doanh nghiệp và người dân khi tham gia các hoạt động giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn, tương ứng 14.954 căn hộ, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chỉ có hơn 2 dự án sử dụng vốn ngân sách, với tổng số 620 căn hộ (chiếm 4,15%).
Các doanh nghiệp đầu tư hơn 16 dự án, với tổng số 13.870 căn hộ (chiếm 95,8%).
Thực tế nguồn vốn ngân sách của TP.HCM đầu tư chỉ giải quyết chưa tới 5% nhu cầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, ban hành quy trình cụ thể, rút ngắn thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.