Tình trạng cân thiếu một số mặt hàng như thịt, cá, rau xanh, trái cây…ở một số chợ truyền thống và cửa hàng thực phẩm trở thành nỗi bức xúc của người tiêu dùng.
Hành vi cân thiếu, gian lận trong cân đo sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: VC
Theo anh Cường (ngụ Tân Bình, TP.HCM): “Tôi có đến một cửa hàng bán thực phẩm ở Tân Bình để mua cải xanh, trong phiếu tính tiền tính với khối lượng gần 1 ký, nhưng khi về nhà cân lại chỉ hơn 400 gam. Trước đây do ngại việc cân thiếu xảy ra ở chợ nhưng đến cửa hàng mà cũng xảy ra tình trạng này thì rất đáng lo ngại”.
Theo đó, hành vi cân đo không trung thực sẽ bị xử lý theo vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại khoản 3 Điều 3, Thông tư 07/2019 của Bộ Khoa học Công nghệ, sửa đổi bổ sung Thông tư 23/2013 quy định “Phương tiện đo nhóm 2” là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam;
Điều 14 Nghị định 119/2017 quy định xử phạt đối với vi phạm về đo lường đối với phép đo nhóm 2. Theo đó, nếu người bán hàng vi phạm về phép đo trong mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà lượng của hàng hóa, dịch vụ đó có sai lệch quá phạm vi sai số cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất hợp pháp thì bị phạt tiền với mức cao nhất từ bốn lần đến năm lần số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trên 500 triệu đồng.
Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nếu số tiền thu lợi bất chính đến 200 triệu đồng. Thậm chí người vi phạm là cá nhân có thể bị xử lý hình sự theo Điều 198 BLHS về “Tội lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 BLHS.