Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị duy trì hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ chống dịch Covid-19 và cuộc sống người dân.
VECOM nêu rõ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, TP HCM, Hà Nội và một số địa phương khác đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao hơn với thời gian trên 15 ngày, thậm chí trên một tháng. Khi đó, việc vận hành tốt hoạt động thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng cho việc thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, thực tế đã bộc lộ một số vướng mắc trong hoạt động này, gây khó khăn cho doanh nghiệp thương mại điện tử.
Từ đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông danh mục hàng hóa như trong điều kiện bình thường với điều kiện bảo đảm phòng chống dịch Covid 19, như kiến nghị tại Công văn 5582/BCT-TTTN của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng ngày 27-7.
Đặc biệt, VECOM kiến nghị tạo thuận lợi đối với đội ngũ giao hàng (shipper) bởi nếu không sẽ dẫn tới tâm lý không tốt trong đội ngũ này. Nếu đông đảo shipper nghỉ việc và doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động thì sẽ dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng bảo đảm cuộc sống của người dân các địa phương đang giãn cách xã hội ở mức cao.
Tài xế Grab tại một điểm tiêm ở quận 7 (TP HCM) vào chiều 27-7 - Ảnh: Hoài Dương
Tho VECOM, đội ngũ shipper có vai trò quan trọng thứ hai, sau đội ngũ y tế trực tiếp chăm sóc sức khoẻ bởi họ phải di chuyển liên tục và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng. "TP HCM đã quan tâm tới việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đội ngũ giao hàng, nhiều shipper đã được tiêm lần 1. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo theo hướng ưu tiên ở mức cao cho đội ngũ shipper khi tiêm văc-xin lần 1 cũng như lần 2" - văn bản của VECOM nhấn mạnh.
VECOM còn đề xuất Thủ tướng giao UBND các địa phương, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ shipper tối ưu hóa hoạt động của mình, qua đó cũng giúp các sàn thương mại điện tử phục vụ tốt hơn người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế tỉ lệ người mua và người bán nằm trên cùng một quận, huyện là không cao; tỉ lệ đơn hàng bị hoàn trả tăng đột biến do người nhận bị cách ly cũng như nhiều lý do khác.
Trước đó, Grab đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để tiến hành chương trình tiêm vắc-xin cho các đối tác tài xế tại TP HCM đợt 1 bắt đầu từ 13 giờ 30 phút chiều 27-7 ở 5 điểm tiêm tại quận 7. "Việc tiêm vắc-xin cho các đối tác tài xế Grab đã góp phần không nhỏ trong việc giúp cả shipper lẫn khách hàng an tâm hơn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp" - đại diện Grab nhìn nhận.
Công ty CP Foody (sở hữu ứng dụng Now) cũng cho biết từ ngày 28-7, các đối tác tài xế của ứng dụng này đã được tạo điều kiện ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid -19. Hoạt động này nằm trong kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin cho nhóm đối tượng tài xế công nghệ của các cơ quan chức năng nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong quá trình giao nhận, lưu thông hàng hoá thiết yếu cho người dân.