Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thủy sản tại Tiền Giang như đang "ngồi trên lửa" trước thông báo đóng cửa hoạt động doanh nghiệp từ ngày 5-8 tới của UBND tỉnh Tiền Giang - Ảnh: TRẦN MẠNH
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết dù Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải có những văn bản giúp lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn nhưng các địa phương vẫn siết chặt.
Nghiêm trọng hơn, UBND tỉnh Tiền Giang mới đây ra văn bản đóng cửa các doanh nghiệp đang hoạt động "3 tại chỗ" trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp kể từ ngày 5-8 tới. Các doanh nghiệp đánh giá đây sẽ là một thảm họa kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và hàng chục ngàn công nhân.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn, cho biết để thực hiện chủ trương “3 tại chỗ”, Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (thành viên của Vĩnh Hoàn tại Tiền Giang) đã tổ chức test nhanh cho 1.200 nhân viên, công nhân lao động.
Ngày 27-7, toàn thể công nhân lao động ở công ty này đã được CDC Tiền Giang kiểm tra PCR và xác nhận âm tính 100%. Như vậy, có thể tạm khẳng định hiện doanh nghiệp này không có trường hợp nào bị mắc COVID-19.
“Thực tế chúng tôi đã triển khai "3 tại chỗ" từ ngày 16-6 với 800 công nhân. Đến nay các khâu kiểm soát vẫn ổn định, xét nghiệm toàn bộ âm tính. Việc đóng cửa các nhà máy tại Tiền Giang là cú sốc lớn cho doanh nghiệp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành cá tra", bà Khanh cho biết.
Theo bà Khanh, chính quyền địa phương cần bình tĩnh lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, không nên làm sụp đổ nền kinh tế của địa phương. Đối với các doanh nghiệp kiểm soát tốt dịch bệnh cần phải được tiếp tục hoạt động.
“Chúng tôi thực hiện "3 tại chỗ" theo chỉ thị của Chính phủ và đang làm tốt mà địa phương đóng cửa đột ngột thì công nhân không thể về quê được. Hãy cho chúng tôi duy trì sản xuất nếu cam kết kiểm soát tốt dịch bệnh”, bà Khanh đề xuất.
Doanh nghiệp kiến nghị các đơn vị có phương án phòng chống dịch tốt và đang kiểm soát được dịch bệnh vẫn được tiếp tục hoạt động - Ảnh: TRẦN MẠNH
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam - phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, trước phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sở đã có buổi họp với UBND tỉnh trong sáng 31-7.
Địa phương đánh giá các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chế biến nông lâm thủy sản gặp khó khăn, đứt gãy nguồn tiêu thụ và cung ứng sản phẩm. Vì vậy, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND tỉnh và tỉnh thống nhất xem xét từng trường hợp doanh nghiệp đảm bảo an toàn sẽ cho hoạt động trở lại.
Phát biểu về vấn đề này, ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết bộ chia sẻ với áp lực chống dịch của các địa phương nhưng vẫn cần đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất. Với những doanh nghiệp tổ chức tốt, phòng dịch tốt thì được hoạt động, chứ không nên đóng cửa.
“Cá nhân tôi và Bộ NN&PTNT sẽ có ý kiến thêm với các đồng chí lãnh đạo Tiền Giang về vấn đề này để hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Nam kết luận.
TTO - Dù đã chi hàng chục tỉ đồng để duy trì sản xuất '3 tại chỗ', chưa có trường hợp F0 nhưng doanh nghiệp vẫn bị tỉnh Tiền Giang yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất.