“Cá mập” trên thị trường chứng khoán lâu nay thường dùng để chỉ những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính và cả kinh nghiệm chuyên môn, tạo ra những biến động nhất thời để “nuốt cá bé”.
“Cá mập” thường ra tay khi thị trường giảm sâu
“Cá bé” thường là những nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ; hay những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường chưa lâu vốn dĩ lưng vốn không nhiều, non kinh nghiệm và cũng không có nhiều kiến thức chuyên môn.
Các vụ việc bị cho là thao túng giá trên thị trường chứng khoán qua các giao dịch vi phạm từng xảy ra và bị xử lý. Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư dù là khối ngoại, khối tự doanh của các công ty chứng khoán hay những nhà đầu tư lớn cá nhân, đều hoạt động giao dịch chứng khoán tuân thủ theo các quy định hiện hành.
“Cá mập” thì cũng có lúc thua lúc thắng chứ không thể thắng tuyệt đối hay chỉ có thua.
Đơn cử, năm 2020 tính từ tháng 4 khi thị trường chứng khoán với VN-Index hồi phục, khối ngoại được cho là chậm chân, “lỡ tàu” khi liên tục bán ròng rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, bỏ lỡ nhịp hồi phục và khoản lợi nhuận đáng kể vào những tháng tiếp theo sau đó.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, tuần cuối tháng 7.2020 khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt bán ra vì thị trường lao dốc do thông tin bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, khối ngoại lại mua ròng hàng nghìn tỉ đồng, và bán chốt lời ngay sau đó 2 tuần với mức lợi nhuận bình quân từ 8-10%.
Tiếp đến, đợt giảm giá mạnh trên thị trường chứng khoán vào tuần cuối tháng 1.2021, chỉ số VN-Index mất tổng cộng hơn 110 điểm tương ứng giảm 9%, “cá mập” xuất hiện để mua vào không chỉ là khối ngoại mà cả các nhà đầu tư lớn trong nước.
“Cá mập” trên thị trường chứng khoán thường ra tay khi thị trường giảm mạnh và giảm sâu vì những nguyên nhân có tính chất đột biến, bất thường khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hứa hẹn cơ hội lợi nhuận tốt hơn một khi thị trường hồi phục.
Sự sợ hãi của nhà đầu tư nhỏ lẻ
3 mốc thị trường lao dốc mạnh mẽ nhất trong khoảng 1 năm qua đã thể hiện rõ như một chu kỳ đến hẹn lại lên: Cuối tháng 7.2020 - cuối tháng 1.2021 - đầu tháng 7.2021. Mỗi chu kỳ trong khoảng từ 5-6 tháng lại xuất hiện một đợt điều chỉnh sâu của VN-Index.
Và tại 3 đợt điều chỉnh trên, sự bán tống bán tháo hầu như rơi vào các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, vốn dĩ non kinh nghiệm, thiếu kiến thức, vốn ít ỏi, không cân bằng được vốn tự có với vốn vay giao dịch thế chấp (margin), tâm lý yếu dễ lao theo bầy đàn cho nên trong các đợt thị trường lao dốc càng đổ xô bán tháo theo bầy đàn.
Nhưng cũng không chỉ có F0 mà không ít những nhà đầu tư F đã ít nhiều có kinh nghiệm, bị sa lầy margin, chính vì vậy, khi bị căng margin không thể tự cân đối được nữa mà phải bán tháo để cân bằng tài khoản. Vấn đề này thể hiện rất rõ trong 2 đợt VN-Index giảm mạnh vào cuối tháng 1 và đầu tháng 7.2021.
Trong các trường hợp/tình huống như vậy, chính các nhà đầu tư F gây khó khăn, thiệt hại cho mình chứ không phải do các nhà đầu tư lớn. “Cá mập” chứng khoán khi ấy lại xuất hiện nhưng ở chiều ngược lại, chính là tâm lý sợ hãi, tham lam bầy đàn của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trong nước. Họ đổ xô mua đuổi khi thị trường tăng điểm, bán tháo khi thị trường giảm mạnh, cho nên mất đi cơ hội lợi nhuận khi thị trường hồi phục.
Xem thêm: odl.987639-oad-oal-el-ohn-ut-uad-ahn-neihk-am-ia-al-naohk-gnuhc-pam-ac/et-hnik/nv.gnodoal