Mới đây, tại văn bản số 4718/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Nhiều công nhân lao động đang phải ở thuê những căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng quy định tại theo đúng quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Không được để chậm trễ, bảo đảm hỗ trợ đúng tiến độ, yêu cầu đề ra, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương; khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân chậm triển khai và có giải pháp đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 4379/VPCP-KGVX.
Phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo quy định và thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao của các Bộ; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chậm chạp phê duyệt và giải ngân
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động là hai đối tượng được nhận hỗ trợ, với mức hỗ trợ lần lượt là 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng.
Chậm nhất đến ngày 15/8 các địa phương phải hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ. Tuy nhiên, tính đến ngày 19/7/2022 cả nước mới có 24/63 địa phương thực hiện việc giải ngân cho gần 253.000 người lao động.
Cụ thể, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tại TP. HCM đã có 18 quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện giải ngân với số tiền hỗ trợ là 72,98 tỷ đồng (chiếm 4,1% so với kinh phí dự kiến hỗ trợ); số lao động là 138.344 lao động (chiếm 12,6% so với dự kiến hỗ trợ).
Khảo sát nơi ở của công nhân
Tại Bình Định, tính tới ngày 19/7, mới có 45 lao động được duyệt chi 67 triệu đồng; tại Đồng Nai, tính tới ngày 15/7, địa phương mới phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho hơn 72,7 nghìn lao động, tổng số tiền hỗ trợ hơn 104,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại Quảng Nam tới ngày 18/7, mới phê duyệt hỗ trợ trên 2,1 nghìn lao động, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tương tự, tính tới ngày 7/7, Nghệ An mới phê duyệt hỗ trợ cho 140 lao động, tổng số tiền gần 200 triệu đồng… Thậm trí, tính tới 22/7, tỉnh Bạc Liêu chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ nào.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, tỉ lệ đã giải ngân được còn rất thấp. Nguyên nhân do nhiều địa phương chờ Quyết định về nguồn kinh phí hỗ trợ. Đồng thời, một số địa phương và doanh nghiệp “sợ sai” nên yêu cầu thêm các xác nhận.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP HCM và Đồng Nai cũng phản ánh: Số đề nghị hỗ trợ tiền thuê trọ thời gian qua còn ít vì nhiều doanh nghiệp muốn gộp hồ sơ trình 1 lần; Cần thời gian rà soát điều kiện của người lao động; Một số phòng LĐ-TB&XH ở cấp quận, huyện quá tải khi chỉ có 1-2 người làm.
Để gỡ các vướng mắc trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện việc lập và nộp danh sách. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH đề nghị tổ chức Công đoàn phối hợp đẩy mạnh, đôn đốc các doanh nghiệp lập danh sách để phê duyệt.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, các địa phương chỉ cần xác định doanh nghiệp đúng là đang đóng trên địa bàn, người lao động có đóng BHXH và phải thuê nhà trọ, không cần quan tâm đóng BHXH ở đâu. Ông Thanh đề nghị cơ quan công đoàn cùng vào cuộc, để người lao động sớm được hỗ trợ, giải ngân xong trước 15/8 tới.
Theo Hồng Phượng
Bizlive