Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 với kết quả kinh doanh tích cực.
Thu nhập lãi thuần riêng quý II của SHB đạt 4.209 tỷ đồng, giảm so với mức 4.666 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, SHB đạt 8.442 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, vẫn tăng mạnh so với mức 6.892 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của SHB đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 đã đưa lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của SHB đạt 5.848 tỷ đồng, tương ứng tăng 84% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 9.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 113%.
Dự kiến trong quý II, SHB sẽ được NHNN cấp phép để hoàn thành giao dịch bán Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC), dự kiến thu về nguồn thặng dư vốn đáng kể trong năm 2022 và 3 năm tiếp theo, góp phần nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ lần thứ 30, ban lãnh đạo SHB đã trình và được cổ đông phê duyệt kế hoạch kinh doanh với mức lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với năm liền trước. Như vậy, sau 1/2 năm tài chính, nhà băng này đã hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận.
Lãnh đạo SHB cho biết cơ sở để ngân hàng đặt ra mức lợi nhuận kể trên là kỳ vọng tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm nay ở mức 14,4%, ước đạt 421.715 tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, tỉ lệ nợ xấu dự kiến dưới 1,3%.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB từng cho biết khi ngân hàng đưa kế hoạch đã cân nhắc, có phương pháp lập kế hoạch kinh doanh.
"Quan điểm của SHB và quan điểm của HĐQT cũng như cá nhân, chúng tôi chưa bao giờ đưa ra con số trước mà đưa ra có cơ sở, căn cứ, phương pháp, nguyên lý tổ chức thực hiện…", ông Hiển nói trong cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ 30.
Ông Hiển cho rằng ngay cả các tập đoàn lớn trên thế giới, các tỷ phú đưa ra kế hoạch kinh doanh cũng đều xuất phát từ căn cứ cơ sở… "Thực tế, SHB có nhiều thế mạnh mà trước đây chưa khai thác hết. Chúng tôi đang cấu trúc và tập trung triển khai thế mạnh đó. SHB sẽ tăng mạnh CASA, hoạt động dịch vụ trong năm nay, cổ đông có thể yên tâm về mục tiêu lợi nhuận", ông Hiển nói thêm.
Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT SHB tại ĐHĐCĐ cũng nhấn mạnh, chỉ tiêu lợi nhuận tăng 87% hoàn toàn có cơ sở vì năm ngoái SHB đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để xử lý xong nợ xấu VAMC.
"Năm ngoái, SHB trích lập dự phòng 7.487 tỷ đồng để xử lý hết nợ còn năm nay là 4.500 tỷ. Do đó, gánh nặng trích lập năm nay sẽ giảm khoảng 3.000 tỷ so với năm ngoái, là cơ sở giúp ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận", ông Tiến nói.
Theo đó, tính đến hết 30/06/2022, tổng tài sản của SHB đạt 522.131 tỷ đồng, hoàn thành 91,7% kế hoạch năm 2022. Vốn điều lệ đạt 26.674 tỷ đồng, vốn tự có đạt 58.763 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II đạt gần 12%.
Tổng vốn huy động của SHB đạt 471.160 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 390.554 tỷ đồng, cả 2 chỉ tiêu đều hoàn thành 93% kế hoạch năm 2022.
Một điểm đáng chú ý là tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của SHB đạt 2,54%, tăng mạnh so với mức 1,6% cùng kỳ. Dù nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đã giảm song nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp gần 3 lần và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 30%.