Một mùa hè mới bắt đầu, các bạn học sinh, sinh viên đã chính thức bước vào kì nghỉ hè sau những tháng ngày đèn sách vất vả. Bên cạnh việc nghỉ ngơi và đi du lịch, một bộ phận nhỏ các bạn học sinh đã chủ động đi làm thêm để kiếm thêm du nhập. Tuy nhiên, qua cuộc khảo sát của chúng tôi, được biết nhiều bạn đang dần quên mất "làm thêm", chỉ là làm "thêm".
Làm thêm là một trải nghiệm cực kì thú vị trong quãng thời gian còn là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, cái gì cũng tồn tại 2 khía cạnh tốt và xấu. Và trước hết, hãy cùng tìm hiểu khái niệm "làm thêm" và ý nghĩa của nó.
Vì sao nên đi làm thêm?
Cơ hội làm việc mở, dễ dàng
Làm thêm được biết đến là một công việc không chính thức, không thường xuyên bên cạnh một công việc chính thức và ổn định. Tùy theo tính chất công việc, nhiều công việc làm thêm không yêu cầu nhiều kinh nghiệm, bằng cấp để được tuyển dụng. Chính việc thoải mái trong thời gian, dễ dàng trong ứng tuyển, đây là lựa chọn của hầu hết các bạn sinh viên đang mong muốn kiếm thêm thu nhập.
Tiền không còn là vấn đề
Một học sinh trường THPT Kim Liên cho biết, do không muốn thường xuyên xin tiền bố mẹ nên đã đi làm thêm và đã kiếm được khoản thu nhập không tồi. Tuỳ từng bạn sẽ có nhu cầu tiêu dùng và sử dụng tiền khác nhau. Chính vậy, dù kiếm được không ít thì nhiều, việc làm thêm cũng "đỡ đần" được nhiều khoản thu khác cho chúng ta.
Mở rộng mối quan hệ và kinh nghiệm sống
Hiện đang là sinh viên năm nhất, bạn Linh cho biết sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, bạn đã xin đi làm thêm: "Em đang làm ở quán cafe. Nhờ trải nghiệm này em quen được rất nhiều người và được dạy bảo cũng như biết thêm nhiều điều về xã hội hơn. Trước đây, cứ đến hè là em chỉ ở nhà ăn với ngủ. Thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ, vì em từ một người chỉ biết đến 4 bức tường phòng màn hình máy tính thì bây giờ em đã chủ động hơn và chăm chỉ hơn".
Mặt trái của chuyện làm thêm
Chưa đủ tuổi lao động
"Em sinh năm 2007" - đây là câu trả lời của một bạn đang làm tại một quán ăn khi trả lời phỏng vấn. Đây không phải là chuyện hiếm nếu nhìn thực tế không ít em nhỏ đang phải lao động quá sức so với quy định pháp luật.
Theo những quy định về độ tuổi lao động, Việt Nam cho phép những người chưa thành niên tham gia vào mối quan hệ lao động nhưng ở mức độ vừa phải. Cụ thể, tại Điều 146 Bộ Luật lao động quy định về thời gian làm việc của người chưa thành niên như sau:
● Đối với người chưa 15 tuổi không được quá 4 giờ/ ngày, không quá 20 giờ/ tuần, không làm thêm giờ và không làm việc vào ban đêm.
● Đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 8 giờ/ ngày, không quá 40 giờ/ tuần và được làm thêm giờ, làm đêm đối với một số công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội ban hành.
Và theo Điều 147: Công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, Bộ luật cũng cấm người lao động chưa đủ tuổi mang vác vật nặng quá thể trạng.
Làm quá sức
Qua khảo sát, phóng viên nghe được nhiều chia sẻ vừa đáng thương cũng vừa đáng trách của một số các bạn trẻ đi làm thêm:
- Em cũng mới đi làm được từ tháng 3. Đợt đáy vừa làm vừa học mà em hay làm buổi tối, sáng đến lớp toàn ngủ".
- "Một ca làm của em là 4 tiếng, nhưng mà lương này với em hơi ít quá, em toàn xin làm thêm giờ".
- "Hè này các bạn em xin đi thực tập không lương, nhưng em muốn đi làm công việc có thu nhập chứ bây giờ em hết tiền rồi".
Việc làm thêm không hề xấu, nhưng cách các bạn làm việc sẽ gây ra không ít tranh cãi. Chúng ta đều rõ ở lứa tuổi còn đèn sách này, đi học vẫn là điều cần được ưu tiên. Chính vậy, mong các bạn học sinh hãy biết cân bằng, cân bằng lại thời gian học và làm việc của mình để không lãng phí đi thời gian và sức khoẻ của chính bản thân.
Theo Ngọc Linh
VTV News
Xem thêm: nhc.32992048020802202-meht-mal-iahp-gnohk-gnuhn-meht-mal-ert-ioig-ihk/nv.zibefac