Nghỉ hưu sớm đang là xu hướng sống của nhiều người trẻ. Nó như là một mục đích để cố gắng nỗ lực làm việc và tích luỹ tiền bạc, nhanh chóng đạt được tự do tài chính, khi đó sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích nghỉ hưu sớm, và có nhiều lý do giải thích cho quan điểm này.
Từng có thời gian nghỉ hưu sớm nhưng cảm thấy… sai sai
Kim Liên (chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân) đã có một quãng thời gian có thể xem là nghỉ hưu sớm vào năm 2021. Khi đó cô cùng gia đình chuyển vào Đà Nẵng sinh sống, nền tảng tài chính khá vững chắc, nên Kim Liên dành gần như toàn bộ thời gian để trải nghiệm những điều mình thích. Tuy nhiên, đến tháng thứ 3 như vậy, Kim Liên bỗng chốc cảm thấy "sai sai", khi không còn động lực trong cuộc sống.
"Mình rất nhớ khoảng thời gian được đi “cày”, được cống hiến, được trao giá trị cho mọi người, bất kể đó là làm thuê hay làm cho chính bản thân mình. Mình cảm thấy cuộc sống khi mình có thể tạo ra giá trị nó có ý nghĩa hơn rất nhiều cuộc sống hiện tại. Nên mình nhận ra là “nghỉ hưu sớm” đối với mình không thật sự hạnh phúc".
Bên cạnh đó, Quốc Việt (31 tuổi, làm việc trong lĩnh vực đầu tư) chia sẻ rằng bản thân không thích nghỉ hưu sớm bởi như vậy không hợp với phong cách sống anh hướng đến. Quốc Việt cho rằng bản thân sẽ cảm thấy khá chán nếu nghỉ hưu sớm và không làm việc nữa .
"Bố là người có ảnh hưởng khá lớn đến với mình. Bố mình chỉ nghỉ hưu trước vài ngày. Tuy nhiên, do ở nhà không cảm thấy vui nên lại xin đi làm tại công ty tư nhân của người thân. Bố mình sinh năm 1958, nghỉ hưu theo chế độ trước 60 tuổi. Từ tháng 1/2018, giờ được 4 năm rưỡi rồi, bố mình vẫn đi làm".
Ngoài ra, anh cũng tự nhận mình khá may mắn có được tư tưởng đam mê việc làm ngay từ khi ra trường. "Mình đi làm không thấy mệt lắm, cũng chẳng thấy chán công việc. Cái nghề đầu tư lại là 1 trong số ít nghề có thể làm đến cuối đời, cũng không bị giới hạn địa lý làm việc".
Quốc Việt
Nghỉ hưu sớm có thể gặp một số rủi ro
Theo Quốc Việt, hầu hết những người nghỉ hưu đã gần như tự do tài chính ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những điều khó lường trước được. Do vậy, hiển nhiên vẫn sẽ có một số rủi ro có thể xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống nếu nghỉ hưu sớm.
Đầu tiên là câu chuyện sẽ tiêu hết số tiền bản thân để dành nghỉ hưu sớm trước thời hạn. Có nhiều người tính toán chi phí sống sau hưu trí theo công thức mức chi tiêu tối thiểu 1 tháng. Khi đạt được mục tiêu đó trong 20-30 năm, họ quyết định nghỉ, Quốc Việt cho rằng như vậy rất rủi ro. Bởi vì có rất nhiều biến số như là lạm phát, giá cả leo thang, tai nạn bất ngờ, ốm đau bệnh tật, sẽ khiến con số đó không còn chính xác.
"Cái rủi ro thứ 2 là những thương vụ đầu tư thua lỗ nặng, vì một lý do khách quan nào đó dẫn đến bị mất toàn bộ hoặc phần lớn) số tiền tiết kiệm hay tài sản tích cóp được để dành cho việc nghỉ hưu sớm. Chuyện tương lai cái gì cũng có thể xảy ra".
Mặt khác, theo quan điểm của Kim Liên, nghỉ hưu sớm sẽ phù hợp với những người chưa trả lời được câu hỏi "mình là ai". Họ sẽ cần khoảng thời gian để đi tìm kiếm câu trả lời mà không muốn bị áp lực về chuyện cơm áo gạo tiền "bẻ lái" trên hành trình đó.
Cô nghĩ rằng, xã hội ngày càng tạo ra những tiêu chuẩn vô hình, khiến một số người đặc biệt là thế hệ trẻ lấy suy nghĩ của người để áp đặt vào cuộc sống của mình. Do vậy, nhiều người cảm thấy lạc lối, nhưng lại không dám phá bỏ "vòng an toàn". Trong thời điểm đó, có thể họ cần nghỉ ngơi để tìm được mục đích ý nghĩa của bản thân thay vì bị cuốn vào vòng xoáy công việc.
Kim Liên cũng nhấn mạnh rằng tự do tài chính là một trong các điều kiện cần của nghỉ hưu sớm. "Tự do tài chính đối với mình là khi sự tự do của mình không còn bị phụ thuộc bởi tiền bạc nữa".
Mặt khác, "Những người đã tìm được câu trả lời của mình, thay vì nghỉ hưu sớm, họ còn có tham vọng muốn cống hiến toàn bộ phần đời còn lại cho cái đam mê của mình nếu họ tìm được cách tạo ra tiền bạc từ niềm đam mê. Các tỉ phú trên thế giới, họ vẫn tiếp tục làm việc bất kể tuổi tác nhưng không phải vì mục đích kiếm tiền nữa. Chẳng hạn, Warren Buffett dù đã 91 tuổi nhưng cũng “không chịu” nghỉ hưu. Cả những người đã làm chủ, đã có công việc kinh doanh riêng của mình cũng vậy. Lúc này đối với họ công việc là hạnh phúc, những áp lực của công việc là thử thách mà họ muốn chinh phục. Họ làm việc với một tâm thế rất chủ động và dốc toàn tâm toàn ý cho những việc họ làm, tiền bạc chỉ là hệ quả và là điều tất yếu theo sau", Kim Liên chia sẻ
Kim Liên
Nghỉ hưu sớm quá thì phí lắm!
Trước thực tế, ngày càng nhiều người trẻ lấy "nghỉ hưu sớm" làm mục tiêu cho cuộc sống, dù không thích nghỉ hưu sớm, Quốc Việt lẫn Kim Liên đều cho rằng đây chưa hẳn là một ý tưởng không tốt.
"Tuy nhiên, mình nghĩ tuổi trẻ là lúc tràn trề nhiệt huyết, nhiều năng lượng, quyết tâm cao nhất, không bị bệnh tật, con cái, những việc không tên trói chân. Đây là độ tuổi con người dễ phấn đấu và dễ đạt được mọi thứ nhất so với các độ tuổi khác, chỉ tầm 15-20 năm thôi. Nghỉ hưu sớm quá phí lắm", Quốc Việt chia sẻ quan điểm cá nhân.
Hiện nay, khi ngày càng nhiều người nói về nghỉ hưu sớm, có một vài ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Chẳng hạn, một vài người cho rằng giới trẻ đang… sướng quá đâm ra lười biếng. Song, Kim Liên cho rằng lấy nghỉ hưu sớm làm mục tiêu sống không phải là lười biếng, họ chỉ đang tạo ra giá trị 1 cách gián tiếp.
"Những người nghỉ hưu sớm thường không trực tiếp làm việc mà họ để tiền bạc làm việc thay họ nên ít ai có thể nhìn thấy giá trị họ tạo ra là bao nhiêu. Mà ngay kể cả việc chúng ta tiêu xài cũng là đang góp phần tạo ra doanh thu, công ăn việc làm cho nền kinh tế. Do đó, những người đủ tiền để nghỉ hưu sớm thực ra họ còn chăm chỉ gấp đôi những người bình thường, vừa thoải mái thời gian để kiếm tiền từ việc mình thích nếu muốn, mà vẫn vừa dùng "tiền đẻ ra tiền"".
Đối với Kim Liên, nghỉ hưu sớm hay muộn đều ổn, miễn là điều đó phù hợp với lối sống và giá trị mà ta hướng đến.
Ảnh: NVCC
https://kenh14.vn/khong-nhu-mo-khi-nghi-huu-som-20220728155801866.chnTheo Như Anh
Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.2151528020802202-mos-uuh-ihgn-ihk-om-uhn-gnohk/nv.zibefac