Mặc dù đã thu phí không dừng nhưng các trạm thu phí ETC vẫn còn barie - Ảnh: Q.ĐỊNH
Với tốc độ như hiện nay, trong vòng hai tháng nữa, số lượng xe dán thẻ trên cả nước sẽ lên 80 - 90%, đạt yêu cầu của Chính phủ.
Ông Hồ Trọng Vinh
Vậy khi nào bỏ được barie để xe có thể chạy vun vút trên cao tốc theo đúng thiết kế, thay vì hiện nay qua trạm chỉ duy trì 30 - 40km/h.
Vẫn phải duy trì barie
Với việc áp dụng hoàn toàn bằng thu phí không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dòng xe đã cải thiện được thời gian lưu thông qua trạm. Theo nhà cung cấp dịch vụ ETC, thời gian qua trạm được rút ngắn từ 36 - 72 giây (hình thức thu phí một dừng trước đây) xuống 6 - 12 giây, tốc độ xe qua trạm theo đó sẽ nhanh gấp 6 - 7 lần.
Tuy nhiên, trên thực tế các trạm thu phí tại Việt Nam hiện nay vẫn còn có các thanh chắn. Theo nguyên lý hoạt động, khi hệ thống nhận được tín hiệu từ thẻ định danh (Etag hoặc ePass) lắp trên xe, thanh chắn sẽ tự động mở lên.
Theo khuyến nghị của nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, tài xế chỉ nên duy trì tốc độ tối đa 30km/h khi đi qua barie. Ngoài ra, tài xế cần rà sẵn chân phanh phòng trường hợp thanh chắn lỗi kỹ thuật hoặc lỗi thanh toán không thể mở lên.
Bên cạnh đó, tài xế cũng cần duy trì khoảng cách tối thiểu từ 3-5m với xe phía trước nhằm hạn chế va chạm trong trường hợp phanh gấp, hạn chế việc cản tầm nhìn của hệ thống nhận diện.
Chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân (nguyên cán bộ Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT) nói rằng mô hình thu phí tự động VN dùng công nghệ của nước ngoài nhưng thực hiện từng giai đoạn. Barie có vai trò mỗi lần mở lên là thể hiện giao dịch bắt đầu, còn lúc đóng xuống là giao dịch kết thúc.
Thời gian barie đóng và mở phụ thuộc vào tốc độ xử lý dữ liệu của thiết bị lắp ở trạm và thiết bị ở trung tâm. Hiện tại các trạm thu phí ETC có tốc độ xử lý chỉ khoảng 30km/h, không được phóng nhanh hơn. Các lỗi mà barie không mở lên được là do tốc độ đường truyền hoặc có lỗi trong xử lý từ thiết bị ở trạm.
Ông Ân nói muốn tiến tới bỏ barie, cần phải cải thiện công nghệ xử lý, hệ thống đường truyền với sự chính xác tới 99%, thời gian xử lý giao dịch phải thật nhanh và cho phép trả sau, tức ghi nợ với các tài khoản không đủ tiền. Đương nhiên, khi không còn trạm thu phí, đường quy định 60km thì xe có thể chạy 60km. Xe chạy qua dù tài khoản có tiền hay không thì thiết bị đều ghi lại.
Nguồn: VETC - Dữ liệu: Đức Phú - Đồ họa: T.ĐẠT
Chuẩn bị triển khai giai đoạn 2
Liên quan đến việc các chủ xe lo ngại về va chạm barie, ông Hồ Trọng Vinh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thu phí tự động (VETC) - lưu ý các lái xe nên tuân thủ đèn tín hiệu và kiểm tra tài khoản trước khi đi vào cao tốc. Khi đèn vẫn màu đỏ thì không nên vượt trạm vì sẽ va chạm với barie.
Bởi trong quá trình vận hành, có một số tình huống vô tình xảy ra như lỗi thẻ, lỗi đường truyền hoặc tài khoản thiếu tiền... làm cho barie hạ xuống.
Theo ông Vinh, những ngày qua trung bình mỗi ngày công ty dán 10.000 thẻ, tính chung cả nước 25.000 thẻ/ngày. Đây cũng là tín hiệu mừng vì người dân đã hưởng ứng. Khi gần như các xe trên cả nước dán thẻ, chúng ta có thể triển khai ngay giai đoạn 2 nhanh hơn và có thể trong giữa năm 2023.
Vẫn nhiều xe chưa dán thẻ
Ngày đầu tiên vận hành thu phí không dừng (ETC) trên cả nước, nhiều nơi dễ thở, vẫn có nơi ùn tắc. Ghi nhận tại trạm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 1-8, tình trạng ùn ứ xảy ra vào buổi sáng tại trạm Long Phước.
Trong khi đó, giao thông trên quốc lộ 1 khu vực qua trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), đến 12h cùng ngày, dòng xe kéo dài khoảng 7km nhích từng chút một từ vòng xoay Tân Tạo đến gần ngã tư An Sương. Nguyên nhân vẫn là hàng loạt xe chưa dán thẻ chen chúc vào làn có thu phí bằng tiền mặt. Trạm thu phí đã phải mở thêm 2 làn thu phí bằng tiền mặt.
CHÂU TUẤN - LƯU DUYÊN
New York bỏ barie, xử tài xế không trả phí ra sao?
Tại New York (Mỹ), các trạm thu phí không hề có barie chắn đường. Trường hợp những chủ xe dán thẻ E-ZPass không đúng cách, khiến máy không đọc được thẻ khi đi qua trạm thu phí, họ sẽ phải trả phí với mức giá thu phí qua thư. Mức phí thu qua thư cao hơn 30% so với mức thu qua thẻ E-ZPass vì phải cộng thêm chi phí và thời gian liên quan trong quá trình xác định số xe.
Với những xe không có E-ZPass, hệ thống sẽ chụp hình bảng số xe và gửi đến cho người đăng ký số xe này theo địa chỉ đăng ký với cơ quan giao thông.
Với các trường hợp này, họ sẽ phải trả mức phí thu qua thư và thêm 2 USD tiền phụ phí hành chính. Nhưng nếu chủ xe không muốn đợi thư, họ có thể tìm theo bảng số xe và trả tiền phí cầu đường trực tuyến.
Trong trường hợp không đóng tiền hay trễ hạn đóng tiền, một chuyến đi 5 USD có thể bị cộng thêm 50 - 100 USD tiền phạt/lần vi phạm.
Số liệu cho thấy, từ tháng 7-2017 đến 1-2018, Thruway - cơ quan quản lý phí cầu đường ở New York, Mỹ - thu được nhiều tiền từ tiền phạt hơn là tiền thu từ người trả tiền thu phí qua thư. Sau đó, cơ quan này đã giảm mức phạt xuống còn 50 USD.
HỒNG VÂN
Vì sao đi 13km nhưng tài khoản phải đủ 131km?
Nhiều tài xế chưa dán thẻ hoặc chưa nạp tiền phải dừng trước trạm vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Ảnh: TR.TRUNG
Tại miền Trung, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là tuyến duy nhất thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng (ETC).
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong buổi sáng 1-8 vẫn có rất nhiều tài xế đến trạm mới cài app và nạp tiền.
Tuy nhiên, cũng có tình trạng dù phương tiện đã có thẻ định danh thu phí tự động hợp lệ, đã đăng ký tài khoản, nạp tiền vào app nhưng hệ thống không quét được. Xe phải dừng chờ để nhân viên nhập thủ công biển số, kiểm tra rồi cho phương tiện đi qua.
Ông Nguyễn Duy Thành, nhân viên vận hành trạm Túy Loan, cho biết có thể do thẻ trên xe dán không đúng quy cách hoặc bị che khuất, có trường hợp do xe chạy tốc độ không hợp lý.
Đã xảy ra tình trạng ùn ứ, cự cãi do nhiều tài xế phản ứng vì lái xe di chuyển tuyến ngắn nhất chỉ hơn 13km nhưng theo quy định thì vào trạm, trong tài khoản phải nạp số tiền đủ cho toàn tuyến từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với chiều dài 131km.
Ông Nguyễn Công Hưng, chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết theo quy định, số tiền tối thiểu chủ phương tiện/người tham gia giao thông cần nạp vào tài khoản thu phí phải đủ để thực hiện 1 giao dịch, tương ứng với số tiền thanh toán 1 lần cho chiều dài quãng đường phương tiện lưu thông. Tuy nhiên con số tối thiểu "đủ để thực hiện 1 giao dịch" mà ông Hưng cho biết lại là số tiền đủ để phương tiện di chuyển trên toàn tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
"Chúng tôi phải đảm bảo người tham gia giao thông có tiền trong tài khoản đủ để di chuyển cho toàn tuyến thay vì một chặng mà người đó đi là phòng trường hợp lái xe đổi ý định có thể di chuyển thêm, sẽ rất phiền hoặc có khả năng ùn ứ" - ông Hưng giải thích.
TRƯỜNG TRUNG
TTO - Lượng xe gặp lỗi khi qua làn ETC - thu phí không dừng tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhiều, trong đó tập trung vào lỗi chưa dán thẻ hay xe dán thẻ nhưng chưa có, không đủ tiền và thẻ không nhận diện được.
Xem thêm: mth.30603528020802202-eirab-ob-oan-ihk-cte-oc-ad/nv.ertiout