Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 được CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11.590 tỉ đồng. Thực tế, đây cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất của Vietjet trong 2 năm trở lại đây.
Trong đó, nguồn thu lớn nhất đến từ việc vận chuyển hành khách (5.620 tỷ đồng); hoạt động phụ trợ (2.593 tỷ đồng); thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ (2.467 tỷ đồng)
Doanh thu của hoạt động tài chính trong kỳ có mức giảm mạnh khi chỉ mang về 238 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ năm ngoái con số này là gần 1.800 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng đến 5,3 lần đạt mức trên 776 tỷ đồng, phần lớn lỗ do lãi tiền vay (343 tỷ đồng), dự phòng giảm giá các khoảng đầu tư (260 tỷ đồng).
Trong kỳ, Vietjet cũng tiết kiệm được nhiều khoản chi khi chi phí bán hàng giảm nhẹ 11 %, đạt 206 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng 22% đạt mức trên 110 tỷ đồng.
Khấu trừ thêm các chi phí, trong kỳ Vietjet báo lãi sau thế 181 tỷ đồng, tăng 45 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng mức lãi của công ty mẹ Vietjet trong quý II là 36 tỷ đồng so với lỗ 96 tỷ cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của hãng đạt 16.112 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2021.
Đối với công ty mẹ Vietjet đạt 14.696 tỷ đồng doanh thu tăng 193% so với cùng kỳ và báo lãi sau thế 76 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ.
Tính tới cuối quý 2/2022, tổng tài sản của Vietjet là 64.592 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng đến từ các mục tiền và tương đương tiền, trả trước cho người bán ngắn hạn, chi phí trả trước ngắn hạn, các khoản phải thu dài hạn, chi phí trả trước dài hạn…
Trong khi đó, khoản dự phòng giảm giá chứng khoán âm vào 370 tỷ đồng (hồi đầu năm là 135 tỷ đồng). Danh mục chứng khoán kinh doanh của Vietjet chỉ có một mã duy nhất là OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), với giá trị ban đầu là 990 tỷ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý 2, giá trị hợp lý của cổ phiếu này chỉ còn 620 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Vietjet cũng tăng mạnh từ gần 35.000 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 47.000 tỷ đồng. Các khoản tăng nợ chính là người mua trả tiền trước ngắn hạn, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, vay nợ dài hạn, dự phòng phải trả dài hạn.
Trong đó, vay nợ dài hạn tăng gần 3.000 tỷ đồng lên 11.035 tỷ đồng. Tổng nợ vay của doanh nghiệp đến cuối quý là gần 19.000 tỷ đồng. Với số nợ vay đó, chi phí lãi vay của công ty trong 6 tháng đầu năm là gần 700 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là gần 300 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet thu nộp ngân sách đạt khoảng 2.300 tỉ đồng gồm các khoản thuế, phí thu hộ trực tiếp và gián tiếp.
Giải trình từ phía doanh nghiệp, kết quả kinh doanh khả quan trên là nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 - giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Chỉ tính riêng trong quý 2, Vietjet đã thực hiện gần 33.000 chuyến bay và vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng lần lượt 135% và 200% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển cũng đạt hơn 11.000 tấn.
Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết Vietjet khai thác tổng cộng 51.483 chuyến bay trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng gần 52% so với 6 tháng 2021.
Mặc dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu nhưng Vietjet cũng thừa nhận, giá xăng dầu tăng mạnh mà không tăng phụ thu xăng dầu đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 85,2%.
Vietjet cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ và tiếp tục đẩy nhanh các dự án chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động, đồng thời tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ bao gồm giảm 50% chi phí hạ cất cánh, chính sách thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay giảm còn 1.000 đồng/lít… nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.
Bên cạnh đó, Vietjet cũng đang tích cực phối hợp và làm việc với Bộ Tài chính và Bộ GTVT nhằm sớm nhận được sự xem xét và chấp thuận về chính sách phụ thu xăng dầu.
Về kế hoạch phát triển các đường bay mới, Vietjet tiên phong trong việc mở các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ với 17 đường bay kết nối các thành phố lớn nhất giữa hai nước. Hãng cũng đã đạt được thỏa thuận với Boeing về tái cấu trúc, tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737. Đây là nền tảng quan trọng giúp công ty đảm bảo kế hoạch mở rộng đội tàu bay và đáp ứng chiến lược phát triển trong tương lai.
Theo báo cáo tài chính quý II vừa mới được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố, Vietjet hiện 4 một trong 4 hãng hàng không đang còn tồn động nợ xấu với “đại gia sân bay”.
Theo đó, trong tổng số hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu của ACV trong đó Vietjet và Bamboo Airway là hai doanh nghiệp có mức nợ cao nhất lần lượt là 635 tỷ đồng và 653 tỷ đồng. Kế đến là Pacific Airlines với mức nợ gần 380 tỷ đồng và Vietnam Airlines hơn 300 tỷ đồng.