Bà Nguyễn Thị Bé, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Trung tâm thương mại Pleiku, thành phố Pleiku cho biết, khoảng một tháng nay, giá các loại thịt heo đã đồng loạt tăng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg và hiện vẫn duy trì ở mức này. Cũng theo bà Bé, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí đầu vào trong chăn nuôi bị đội lên. Việc xăng dầu giảm giá không tác động nhiều đến giá thịt heo bởi mặt hàng này phụ thuộc giá heo hơi.
“Giờ mấy chủ vựa bỏ sỉ không xuống giá, mình đã lấy giá cao rồi thì sao mà giảm giá được. Mình lấy giá bữa giờ heo lên rồi im giá luôn, không hạ. Ba rọi loại ngon, loại một là 125.000 đồng/kg, sườn non là 155.000 - 160.000 đồng/kg, thịt mông là 110.000 đồng/kg. Giờ mà bán ế thì mình mua ít, bán ít, chủ họ không chịu hạ giá thì sao mình hạ được”, bà Bé cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Dung, chủ cửa hàng tạp hóa Dung Dung tại Trung tâm thương mại thành phố Pleiku, khoảng 3 tháng nay, cửa hàng của bà gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, các mặt hàng đều tăng giá khoảng 10% giá trị khiến sức mua giảm. Cũng theo bà Dung, do thời gian cam kết giá của hợp đồng cung ứng giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, đại lý và cửa hàng nên việc giảm giá chưa thể thực hiện ngay.
“Hiện tại sức mua rất yếu, việc buôn bán của các tiểu thương cũng không được. Tại vì bây giờ hàng hóa đến xăng, dầu đều lên cao, người dân không có thu nhập cao nên hàng hóa tiêu thụ được ít hơn so với trước”, bà Nguyễn Thị Dung than thở.
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng trong nước đã liên tiếp hạ 3 lần với tổng mức giảm gần 7.000 đồng/lít. Tuy nhiên, trái ngược với giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, giá các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá các loại, rau củ quả tại các chợ truyền thống tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai vẫn ở mức cao khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Hoa, trú tại phường Phù Đổng, thành phố Pleiku chia sẻ, với giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tăng cao như hiện nay, bắt buộc bà phải dè dặt hơn mỗi khi đi chợ: “Cái gì cũng mắc hơn so với trước đây một tí, như dầu ăn, các thứ… Hồi trước mình mua là một bó rau có giá trị 5.000 đồng thì bây giờ lên 7.000 đồng. Mọi thứ mắc hơn thì việc chi tiêu phải hạn hẹp hơn, không được thoải mái như hồi trước”.
Bà Châu Hoàng Thy, Phó Giám đốc Siêu thị Coopmark Pleiku cho biết, trước diễn biến mới của giá xăng dầu, hệ thống siêu thị đã phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá trong thời gian tới cho các nhóm hàng thiết yếu. Trong đó, chú trọng bình ổn giá như các loại gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, cũng như các loại thực phẩm khô.
“Chúng tôi có hỗ trợ cho người tiêu dùng như áp dụng chương trình mua nhiều ưu đãi lớn, mua một - tặng một hoặc là chương trình mà giảm 50 %. Cứ hai tuần thì chúng tôi lại có một cẩm nang mua sắm, trong đó chúng tôi đưa đầy đủ danh mục hàng hoá khoảng trên 3.000 sản phẩm tham gia các chương trình bình ổn giá để hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh tình hình kinh tế vật giá leo thang như hiện nay. Như mặt hàng thực phẩm tươi sống của chúng tôi: thịt heo, thịt bò, thịt gà cũng như cá tươi, rau củ quả, chúng tôi cũng không tăng giá trong thời kỳ bão giá như hiện nay”, bà Châu Hoàng Thy cho biết.
Nhằm kiểm soát thị trường, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, đồng thời bình ổn thị trường hàng hoá, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cùng các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Đặc biệt, đơn vị chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần giữ ổn định thị trường hàng hoá.
“Đối với mặt hàng tiêu dùng nói chung ở thị trường nội địa chủ yếu sử dụng hàng sản xuất trong nước. Mặt hàng này cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, đối với thực phẩm giá tăng cao, một số đối tượng chủ yếu là kinh doanh lưu động đưa vào các hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề này như đường cát nhập lậu, bánh, kẹo… Đồng thời tăng cường kiểm tra đối với các mặt hàng liên quan đến hàng hóa tiêu dùng nói chung để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi sai phạm nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp cũng như là người tiêu dùng”, ông Lê Hồng Hà, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Gia Lai, thông tin./.
Xem thêm: vov.676069tsop-teihn-ah-auhc-nav-ial-aig-iat-uey-teiht-gnah-tam-cac-aig/et-hnik/nv.vov