Theo tờ Quartz, các chuyên gia thường kỳ vọng nền kinh tế sẽ vận hành trơn tru theo đúng như lý thuyết để có thể đưa ra những chính sách hợp lý. Thế nhưng, câu chuyện lại chẳng đơn giản và dễ đoán như nhiều người vẫn nghĩ, hệ quả là nền kinh tế Mỹ hiện nay xuất hiện những câu chuyện trái ngang gây đau đầu cho các chuyên gia.
1. Mất niềm tin nhưng vẫn chi tiêu điên cuồng?
Khảo sát tháng 6/2022 của trường đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012, qua đó cho thấy người dân đang chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất.
Báo cáo này cho thấy quan điểm tiêu cực về nền kinh tế cũng như thu nhập cá nhân sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng trên thị trường.
Bất ngờ thay, số liệu chính thức được công bố vào tuần trước lại cho thấy người dẫn vẫn chi tiêu điên cuồng dù lạm phát khiến họ phải tốn nhiều tiền hơn. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ đã tăng 4,3% trong nửa đầu năm 2022.
Theo Quartz, có một sự khác biệt rõ ràng giữa những gì người dân than phiền so với những gì họ thực sự làm.
2. Giá xăng giảm, nhưng lạm phát thì không
Đầu năm 2022, giá xăng dầu là một trong những yếu tố chính khiến đà lạm phát tăng phi mã. Tuy vậy sau khi đạt đỉnh vào tháng 6/2022, giá dầu thô đã hạ nhiệt dù vẫn ở mức cao hơn bình quân năm 2021.
Nhiều chuyên gia đã kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt theo giá dầu, nhưng các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay PCE đều cho thấy điều ngược lại. Một số chuyên gia đánh giá có lẽ sẽ cần thời gian đến giá dầu giảm tác động đến lạm phát, trong khi số còn lại cho rằng sự bất ổn của nền kinh tế cùng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ khiến giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp hơn bất kể giá năng lượng có hạ nhiệt đi chăng nữa.
3. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng vẫn suy thoái?
Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ ở mức 3,6% nhưng hầu hết các chỉ số kinh tế khác, nhất là tăng trưởng GDP lại không hề khả quan. Số liệu chính thức cho thấy GDP của Mỹ đã suy giảm 0,9% trong quý II/2022. Con số này là (-1,6%) trong quý I/2022. Như vậy về lý thuyết, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Tăng trưởng GDP của Mỹ theo quý
Theo một số giả thuyết, việc nhiều hãng bán lẻ tích trữ hàng để phục vụ người dân hậu đại dịch khiến họ không đặt hàng thêm nữa, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP có thể là một phần nguyên nhân. Tuy nhiên dù thế nào thì câu chuyện kinh tế suy thoái kỹ thuật khi người dân vẫn có nhiều việc làm là điều hiếm khi xảy ra tại Mỹ.
4. FED tăng lãi suất nhưng hệ thống tài chính lại nới lỏng
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 0,75%, mức mạnh nhất 30 năm qua, để chống lạm phát. Ngay lập tức thị trường bất động sản Mỹ có dấu hiệu tạm hạ nhiệt. Thế nhưng tờ Quartz cho biết trong những tuần gần đây, thị trường tín dụng lại bắt đầu sôi động trở lại và lãi suất cho vay cũng hạ.
Lý do chính được đưa ra là nhiều nhà đầu tư nhận định rủi ro suy thoái sẽ làm chậm tiến trình tăng lãi suất của FED.
Tuy nhiên đây lại không phải phản ứng mà FED muốn khi họ cố gắng chống lạm phát, qua đó cho thấy những dấu hiệu tăng lãi suất mạnh hơn nữa nếu giá cả không đi xuống.
5. CEO lo sốt vó nhưng cổ đông thì bình chân như vại
Hầu hết các CEO, từ tỷ phú Elon Musk cho đến những huyền thoại đầu tư như Warren Buffett đều lo lắng về nền kinh tế Mỹ. Trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh này, thông điệp chung của mọi công ty đều là đang cắt giảm chi phí, nâng giá để chống lạm phát và việc suy giảm lợi nhuận là không thể tránh khỏi.
Thế nhưng nhà đầu tư lại khá bình thản với những gì đang diễn ra. Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 7% kể từ tháng 6/2022. Dù chỉ số này vẫn thấp hơn mức đỉnh 2021 nhưng đang tiệm cận gần mức trước khi đại dịch bùng phát.
*Nguồn: QZ
http://tintuc.vdong.vn/08/1451724.htmBăng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.42645250130802202-ym-et-hnik-nen-gnort-yl-hcihgn-gnuhn/nv.zibefac