Trong gần một thập kỷ, Alibaba và Tencent được coi là điều kỳ diệu của kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng chóng mặt cùng giá trị vốn hóa lên tới hàng nghìn tỷ USD. Quy mô này đã giúp Alibaba và Tencent thêm bành trướng, xâm chiếm và len lỏi vào mọi ngóc ngách của lĩnh vực Internet.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua ngoạn mục này có thể sẽ chính thức kết thúc vào thứ Năm, khi “đế chế thương mại điện tử” mà Jack Ma sáng lập dự kiến ghi nhận mức giảm doanh thu hàng quý lần đầu tiên, điều mà trước đây chưa từng xảy ra với một tập đoàn Internet lớn như vậy. Tencent, “đế chế truyền thông xã hội” của tỷ phú Pony Ma, cũng có thể đi vào vết xe đổ này.
Cột mốc quan trọng đó như một lời nhắc nhở với giới đầu tư, rằng sau một cuộc đàn áp vốn xóa sổ hơn 1 nghìn tỷ USD khỏi thị trường hồi năm 2021, Alibaba và “đối thủ truyền kiếp” của nó sẽ khó có thể vượt qua cái bóng của chính mình trước đây. Cũng giống như rất nhiều các tập đoàn khác, 2 gã khổng lồ này không chỉ phải vật lộn với những hệ lụy đằng sau các chính sách phong tỏa, mà còn với cả cuộc khủng hoảng tiêu dùng vốn đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
“Không có gì ngạc nhiên khi quý II/2022 trở thành một trong những quý tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngành công nghệ không nằm ngoài phạm vi bị ảnh hưởng do phải đối mặt với rất nhiều trở ngại về quy định. Đây là một xu hướng mang tính cấu trúc và dài hạn hơn”, chuyên gia phân tích Marvin Chen của Bloomberg Intelligence cho biết.
Alibaba có lẽ là cái tên bị tác động nhiều nhất trong ngành công nghệ nói chung do giới chức đại lục siết chặt kiểm soát hoạt động livestream
Alibaba có lẽ là cái tên bị tác động nhiều nhất trong ngành công nghệ nói chung do giới chức đại lục siết chặt kiểm soát hoạt động livestream bán hàng trực tuyến. Hồi năm ngoái, Tổng cục Thuế Trung Quốc cho biết đã phạt “nữ hoàng streamer” hàng đầu nước này Huang Wei, hay còn được biết đến với cái tên Viya, số tiền 1,34 tỷ Nhân dân tệ vì tội trốn thuế. Theo cơ quan trên, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020, Huang Wei đã trốn 643 triệu Nhân dân tệ tiền thuế bằng cách che giấu thu nhập cá nhân và kê khai không minh bạch thu nhập của mình.
Đến tháng 6, “ông vua son môi” Li Jiaqi cũng trở thành cái tên thứ hai biến mất khỏi Taobao của Alibaba sau bê bối xúc phạm cơ quan kiểm duyệt. Các giám đốc điều hành mảng điện toán đám mây của tập đoàn mới đây cũng bị chính quyền thành phố Thượng Hải triệu tập do có liên quan đến vụ đánh cắp cơ sở dữ liệu cảnh sát khổng lồ.
Những bê bối này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa thoát khỏi “sự co rút’’ kinh tế trong quý II/2022, khi dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu chi tiêu của người dân, từ quần áo đến thiết bị điện tử.
Từng đứng ngang hàng với Apple và Amazon trong một câu lạc bộ những công ty được định giá hàng nghìn tỷ USD, các công ty Internet khổng lồ tại Trung Quốc hiện đang phải vật lộn để đứng vững trong ngành. Giới phân tích, từ Susquehanna đến Deutsche Bank, đều buộc phải cắt giảm mục tiêu tăng trưởng của Alibaba khi tập đoàn này liên tiếp vướng vào bê bối.
“Trước đây, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu Alibaba và Tencent với hy vọng vị trí thống lĩnh của họ trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tạo ra sức mạnh cho họ và một loạt các công ty danh mục đầu tư”, Ke Yan, một nhà phân tích tại Singapore cho biết. "Tuy nhiên, điều này đã không thể xảy ra kể từ khi chính phủ thắt chặt các quy định".
Alibaba công bố báo cáo kinh doanh vào thứ Năm. Doanh thu dự kiến sẽ giảm 1,2% xuống còn 203,4 tỷ nhân dân tệ (30,1 tỷ USD) trong quý II/2022.
Doanh thu Tencent dự báo sẽ giảm 1,7% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay
Triển vọng Tencent cũng không khả quan hơn là mấy. Mặc dù giới chức quản lý đã tiếp tục phê duyệt các trò chơi mới vào tháng 4 sau thời gian dài gián đoạn, song vẫn chưa có một tựa game nào được chính thức thông qua trong năm nay. Đây là một trong những lý do khiến các nhà phân tích dự đoán doanh thu Tencent sẽ giảm 1,7% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Ngoài ra, lo ngại cũng đang đổ dồn về phía Alibaba khi cổ phiếu của công ty này được cho là có thể bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Nguyên nhân một phần do phía Alibaba không tuân thủ đúng các quy định minh bạch thông tin doanh nghiệp. Động thái trên của Uỷ ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ SEC được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Alibaba thông báo đăng ký niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc).
Trước đó, các giám đốc điều hành công nghệ Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo giới đầu tư về đà tăng trưởng trầm lắng, song cú sốc trước bức tranh kinh tế ảm đạm trong quý II là điều không thể tránh khỏi.
Theo Bloomberg, doanh số bán lẻ của Alibaba chỉ tăng 3,1% trong tháng 6, thấp hơn nhiều so với 12% một năm trước đó. Doanh thu từ bộ phận Thương mại Trung Quốc được dự báo chỉ tăng 1%, mức tệ nhất có thể ghi nhận. Trong khi đó, doanh thu mảng điện toán đám mây của Alibaba được cho là sẽ chỉ tăng 14,3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, mức khá thấp sau 6 năm trở lại đây.
Theo: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/08/1451725.htm
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.75880400130802202-gnourt-gnat-neyugn-yk-auc-tek-ioh-iot-ad-ueil-ababila-ehc-ed/nv.zibefac