Theo Công văn số 970/UBND-KTN ngày 11/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, trước ngày 30/6/2022, các địa phương có đê (trừ huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế) phải xử lý dứt điểm 109 trường hợp vi phạm, trong đó có 65 trường hợp vi phạm về đê điều, còn lại vi phạm về bến, bãi chất tải, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Để đánh giá kết quả xử lý, cuối tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm tra, kết quả cho thấy: Các huyện, TP đã xử lý được 77 trường hợp; trong đó có 50 trường hợp vi phạm về đê điều, còn lại vi phạm về bến, bãi chất tải, kinh doanh vật liệu xây dựng. Một số địa phương có tỷ lệ xử lý cao như: Lục Nam, Tân Yên, TP Bắc Giang, Hiệp Hòa...
Mặc dù vậy, các địa phương đều xử lý chậm so với thời hạn quy định, nhiều vụ tuy đã được xử lý song chưa triệt để, vẫn tái phạm. Ví như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đạt ở xã Mai Đình (Hiệp Hòa) chưa dỡ mố cẩu sát mép bờ sông, vẫn tập kết cát, sỏi trên bến. Trước đó, UBND xã Mai Đình đã tiến hành xử lý, gia đình ông Đạt cam kết tạm dừng chất tải và dỡ mố cẩu.
Tương tự, 2 điểm tập kết vật liệu xây dựng tại thị trấn Đồi Ngô và xã Yên Sơn (cùng huyện Lục Nam) vẫn chưa giải tỏa, lượng cát, sỏi tập kết còn khá lớn. Ông Nguyễn Văn Định, thôn Quang Biểu, xã Quang Châu (Việt Yên) cũng chưa tháo dỡ công trình vi phạm, chưa di chuyển cọc bê tông ra khỏi hành lang bảo vệ đê...
“Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý, bảo đảm xong trước ngày 15/8/2022. Với các tổ chức, cá nhân đã có quyết định chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư, cho thuê đất…, chúng tôi yêu cầu sớm hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để thẩm định, báo cáo UBND tỉnh cấp giấy phép để vật liệu ở bãi sông”- đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết./.
Xem thêm: vov.757069tsop-ueid-ed-naot-na-mahp-iv-poh-gnourt-23-meid-yl-ux-teyuq-neik-gnaig-cab/et-hnik/nv.vov