Tôi vẫn nghỉ, sau đó bị sa thải. Tôi vào làm tại từ năm 2017 với hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 26/6 vừa qua, do bố tôi phải phẫu thuật ung thư gấp, nhà neo người, tôi làm đơn nghỉ phép từ 27/6 đến 4/7 để lo việc nhà nhưng giám đốc không đồng ý vì công việc đang cao điểm, nhiều việc, thiếu nhân lực.
Song ngày 27/6, tôi vẫn nghỉ phép và đến 5/7 đi làm trở lại, cũng không xuất trình bất cứ lý do nghỉ việc nào khác.
Giám đốc sau đó ra quyết định sa thải tôi với lý do tôi tự ý bỏ việc 5 ngày/tháng mà không có lý do chính đánh. Trong quyết định có nêu, theo quy định công ty, muốn nghỉ phép, nhân viên phải báo trước ít nhất 3 ngày để công ty sắp xếp lao động thay thế.
Tôi không đồng ý với quyết định sa thải, cũng không đồng ý bồi thường phí đào tạo. Xin hỏi quyết định trên của công ty với tôi đúng hay sai? Tôi có thể làm gì để khiếu nại, giải quyết tranh chấp?
Độc giả Vũ Liên
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho hay, theo điều 124, 125 Bộ luật Lao động, kỷ luật lao động gồm 4 các hình thức sau: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức và sa thải.
Sa thải là hình thức kỉ luật nghiêm khắc nhất, được áp dụng trong các trường hợp sau:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, đối chiếu với quy định nói trên, việc bạn Liên xin nghỉ phép từ ngày 27/6 đến 4/7 nhưng không được doanh nghiệp chấp nhận mà sau đó vẫn nghỉ thì được xác định là tự ý bỏ việc. Tuy nhiên, theo luật sư, việc này có lý do chính đáng (chăm sóc bố nằm viện) nên không thuộc trường hợp áp dụng hình thức sa thải.
Để giải quyết tranh chấp nói trên, luật sư Vinh khuyên bạn Liên cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ các tài liệu chứng minh việc bố bạn phải phẫu thuật là có thật (có xác nhận của cơ sở y tế). Trong quá trình trao đổi, thương lượng bạn nên có thái độ cầu thị, nêu rõ lý do nghỉ phép đột ngột là do bất khả kháng.
Trường hợp thương lượng không đạt kết quả, bạn Liên có thể gửi đơn đến Phòng lao động thương binh và xã hội ở địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để được xem xét, hỗ trợ (thủ tục này không bắt buộc nên bạn có thể tùy ý lựa chọn). Sau khi nhận đơn, Phòng lao động thương binh và xã hội sẽ hòa giải giữa các bên để giải quyết tranh chấp.
Trường hợp bạn Liên không gửi đơn như hướng dẫn nêu trên hoặc việc giải quyết của cơ quan chuyên trách không đạt kết quả thì bạn Liên có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp lao động tại Tòa án dân dân có thẩm quyền.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.7305944-neiv-man-ob-mahc-ihgn-iv-iaht-as-ib-iot-oas-iv/ten.sserpxenv